LHQ cần đóng vai trò lớn hơn trong quản trị kinh tế

Lãnh đạo các nước kêu gọi LHQ cần đóng vai trò lớn hơn trong quản trị kinh tế toàn cầu để giảm sự bất bình đẳng trong kinh tế, tài chính...
Tại cuộc thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khoá 66, các nhà lãnh đạo thế giới đã một lần nữa lên tiếng kêu gọi Liên hợp quốc đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong quản trị nền kinh tế toàn cầu nhằm giảm thiểu sự bất bình đẳng trong các mối quan hệ kinh tế, tài chính, thương mại cũng như hạn chế tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu đến các nước nghèo.

Các nhà lãnh đạo các nước đang phát triển nhấn mạnh thế giới đang buộc phải chấp nhận thực tế là bất công xã hội đang tăng lên đến mức báo động tại một số nền kinh tế lớn trên thế giới.

Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu mới đây bắt nguồn từ một thực tế là thiếu các quy chế rõ ràng trong hệ thống tài chính quốc tế.

Liên hợp quốc cần phải là diễn đàn thúc đẩy thay đổi, đồng thời là người điều phối và phối hợp hành động với các thể chế toàn cầu khác để loại trừ các nguyên nhân khủng hoảng trong một thế giới ngày càng liên kết và phụ thuộc lẫn nhau.

Lãnh đạo các nước Mỹ Latinh và Caribe cho rằng những tai họa về kinh tế và môi trường mà các nước đang phát triển hiện phải gánh chịu một cách không tương xứng đều có nguyên nhân từ các nền kinh tế phát triển, do khủng hoảng nợ công, tỷ lệ thất nghiệp cao, và do tình trạng thải ra quá nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Các nhà lãnh đạo này kêu gọi Liên hợp quốc thiết lập các quy chế thị trường mới, đặc biệt áp dụng thuế giao dịch tài chính 5% để xây dựng quỹ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng trên toàn cầu.

Với 4.000 tỷ USD giao dịch tài chính hàng ngày trên thế giới, chủ yếu ở các nước phát triển, thế giới có thêm 4.800 tỷ USD hàng năm không chỉ giải quyết được các vấn đề liên quan đến nợ của các nước nghèo mà còn tăng nguồn đầu tư thúc đẩy tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu sau khủng hoảng kinh tế.

Các nước đang phát triển với vai trò hỗ trợ và trọng tài của Liên hợp quốc, có thể đóng vai trò lãnh đạo trong việc thúc đẩy những thay đổi cần thiết để giải quyết 4 thách thức lớn mà nhân loại đang phải đối mặt là an ninh lương thực, năng lượng, cạn kiệt tài nguyên và biến đổi khí hậu theo một đường lối thống nhất hoà nhập.

Mọi nỗ lực nhằm đối phó hiệu quả với sự nóng lên của Trái Đất, thảm hoạ thiên nhiên, tình trạng y tế khẩn cấp,... đều cần vai trò điều phối và hành động năng động của Liên hợp quốc với sự phối hợp của tất cả các nước, các tổ chức tài chính và thương mại quốc tế.

Các nhà lãnh đạo các nước đang phát triển cũng kêu gọi Liên hợp quốc thúc đẩy vấn đề cải tổ mạnh mẽ nền kinh tế thế giới để các nước có thể phối hợp chính sách nhằm tăng cường nền tảng kinh tế, giám sát các hệ thống tài chính, điều chỉnh thực tế đầu cơ kinh tế đang lan rộng cũng như các nhân tố khác đang phá hoại sự ổn định thị trường, phát triển quốc tế và cuộc sống của con người; tạo điều kiện để các nước đang phát triển có thể thực hiện các chính sách giảm bất bình đẳng mà các nền kinh tế này đang phải gánh chịu.

Liên hợp quốc cần thiết kế các mô hình tài chính mới để có thể phản ứng thích hợp trước các cuộc khủng hoảng kinh tế theo chu kỳ, đồng thời cần giám sát và thúc đẩy các nền kinh tế phát triển thực hiện các cam kết dành 0,7% tổng thu nhập quốc dân (GNI) để viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho các nước nghèo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục