LHQ đánh giá cao sức bật tăng trưởng của châu Á

LHQ nhấn mạnh sức bật tăng trưởng của châu Á trong và sau khủng hoảng kinh tế tài chính mới đây được thúc đẩy bởi các thành phố.
Ngày 28/10, trong báo cáo về hiện trạng các thành phố châu Á năm 2010-2011, Liên hợp quốc khẳng định ngày càng nhiều thành phố ở châu lục này sẽ phát huy được tối đa sức cạnh tranh toàn cầu.

Liên hợp quốc nhấn mạnh sức bật tăng trưởng của châu Á trong và sau cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính mới đây được thúc đẩy bởi các thành phố và bắt nguồn từ khả năng hoạch định chính sách thích hợp.

Những chính sách phát triển này cần tập trung nhiều hơn vào việc giải quyết đói nghèo và bất bình đẳng để động lực kinh tế có thể phát huy tác động trên cơ sở rộng rãi hơn. Hội nhập thành công vào nền kinh tế toàn cầu sẽ thúc đẩy mạnh hơn tăng trưởng của nền kinh tế khu vực.

Với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng gần gấp đôi từ năm 1990 đến năm 2008, châu Á đã đóng góp lớn vào nền kinh tế thế giới, chiếm 30% GDP toàn cầu năm 2008.

Trong các nền kinh tế năng động hơn của châu Á, nhiều chính sách đã giúp phát huy tối đa lợi thế cạnh tranh bắt nguồn từ các thành phố của châu Á với mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và các thành phố cùng sự đầu tư của nước ngoài.

Báo cáo của Liên hợp quốc cho rằng thành công của châu Á trong hội nhập nền kinh tế thế giới đã và đang được nhận thấy rõ hơn ở các thành phố chuyển từ vai trò "công xưởng của thế giới" sang nền kinh tế tri thức. Các nước châu Á chậm phát triển cũng đã rút ra được nhiều bài học từ sự chuyển đổi này và đã đạt được những thành tựu quan trọng.

Tuy nhiên, các lợi ích tăng trưởng dựa trên xuất khẩu đã không được chia sẻ công bằng mặc dù các thành phố châu Á đều có sức bật và cộng hưởng lớn để giải quyết khu vực kinh tế không chính thức, thu nhập thấp hiện đang chiếm ưu thế trong các nền kinh tế châu lục.

Báo cáo cho rằng, lực lượng lao động được đào tạo tốt sẽ tăng cường năng lực của các khu vực kinh tế của các thành phố châu Á, giúp tận dụng được các cơ hội mới trong thị trường trong nước và quốc tế. Các thủ tục được hợp lý hóa cũng sẽ giúp đưa các nhà kinh doanh trong khu vực kinh tế không chính thức vào dòng chính của nền kinh tế và thu hút các nguồn đầu tư nước ngoài.

Báo cáo của Liên hợp quốc cũng khẳng định các thành phố châu Á đã nhận thức được rằng dân số đông, trong đó chủ yếu là thanh niên là một lợi thế cạnh tranh toàn cầu nữa của châu lục và cần phải tận dụng và phát huy tối đa ưu thế này. Sự tiếp tục thịnh vượng của các thành phố châu Á phụ thuộc vào mô hình phát triển toàn diện hơn để thúc đẩy tiến bộ xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục