LHQ hối thúc Đông Nam Á nỗ lực phục hồi nền kinh tế hậu COVID-19

Liên hợp quốc cho rằng dịch COVID-19 đã phơi bày những khó khăn ở các nước Đông Nam Á, cho dù những quốc gia này ghi nhận hoạt động kinh tế mạnh mẽ trước khi dịch COVID-19 bùng phát.
LHQ hối thúc Đông Nam Á nỗ lực phục hồi nền kinh tế hậu COVID-19 ảnh 1Một khu chợ ven đường ở Surabaya, Indonesia ngày 2/6/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Liên hợp quốc ngày 30/7 công bố một báo cáo chính sách kêu gọi các nước Đông Nam Á khắc phục tình trạng bất bình đẳng và “xanh hóa” nền kinh tế trong nước nhằm kiến tạo một tương lai toàn diện và “dẻo dai” hơn, giữa lúc các quốc gia này đang nỗ lực hồi phục nền kinh tế hậu dịch COVID-19.

Theo Liên hợp quốc, các nhiệm vụ quan trọng khác đối với chính phủ các nước Đông Nam Á là thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số và đảm bảo hoạt động quản lý hiệu quả.

[Việt Nam bổ sung cho các nền kinh tế khác trong ASEAN]

Liên hợp quốc cho rằng các nước Đông Nam Á đang đứng trước hai con đường để lựa chọn, trong đó một con đường có thể dẫn tới một cuộc suy thoái sâu và kéo dài do tác động tiêu cực của việc đóng cửa biên giới, cũng như sự trở lại của tình trạng phát triển không bền vững về môi trường.

Trong khi đó, con đường thứ hai là áp dụng các chính sách phối hợp mang tính khu vực và toàn cầu, bao gồm một giải pháp phát triển mạnh mẽ, toàn diện và bền vững.

Liên hợp quốc cho rằng dịch COVID-19 đã phơi bày những khó khăn ở các nước Đông Nam Á, cho dù những quốc gia này ghi nhận hoạt động kinh tế mạnh mẽ trước khi dịch COVID-19 bùng phát.

Liên hợp quốc cũng lưu ý tới tình trạng bất bình đẳng cao, bảo vệ xã hội … cũng như những mối quan ngại về môi trường như mức độ đa dạng sinh học và chất lượng không khí suy giảm.

Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, tình trạng hiện nay đang dẫn tới sự suy thoái và căng thẳng xã hội.

Báo cáo của Liên hợp quốc cũng hối thúc chính phủ các nước nhanh chóng triển khai các hành động ứng phó dịch COVID-19 để củng cố hệ thống y tế trong nước và quan tâm tới các nhóm dân số dễ bị tổn thương như người khuyết tật và người tị nạn.

Theo báo cáo này, những thiệt hại kinh tế do dịch COVID-19 gây ra cần được khắc phục thông qua các chính sách đảm bảo sinh kế lâu dài cho người dân, khôi phục các chuỗi cung ứng và thực hiện biện pháp tài khóa hợp lý để hỗ trợ các lĩnh vực tài chính lành mạnh./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục