LHQ kêu gọi lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar sớm ổn định tình hình

Báo cáo viên Liên hợp quốc nêu rõ tại hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN, lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar, Thống tướng Min Aung Hlaing đã nhất trí "chấm dứt bạo lực ngay lập tức tại Myanmar."
LHQ kêu gọi lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar sớm ổn định tình hình ảnh 1Cảnh sát Myanmar siết chặt an ninh tại quận Hlaingthaya, thành phố Yangon ngày 14/3/2121. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 27/4, báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền của Liên hợp quốc tại Myanmar Thomas Andrews đã kêu gọi lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar, Thống tướng Min Aung Hlaing sớm ổn định tình hình trong nước. 

Trong bức thư ngỏ gửi Thống tướng Min Aung Hlaing, ông Andrews đã nhắc lại rằng tại hội nghị các nhà lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở Jakarta (Indonesia) vừa qua, Thống tướng Hlaing đã nhất trí với đồng thuận 5 điểm về tình hình Myanmar.

Các điểm này bao gồm việc yêu cầu chấm dứt ngay lập tức bạo lực và tất cả các bên phải hết sức kiềm chế, tiến hành đối thoại mang tính xây dựng giữa tất cả các bên liên quan nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình, cử đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN làm trung gian thúc đẩy tiến trình đối thoại và cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người dân Myanmar thông qua Trung tâm Điều phối hỗ trợ nhân đạo ASEAN (AHA).

Báo cáo viên Liên hợp quốc nêu rõ tại hội nghị nói trên, Thống tướng Min Aung Hlaing đã nhất trí "chấm dứt bạo lực ngay lập tức tại Myanmar."

[Chính phủ Nga ủng hộ giải pháp nội bộ cho tình hình tại Myanmar]

Ông khẳng định đây là bước đi cấp bách đầu tiên hướng tới chấm dứt cuộc khủng hoảng đã cướp đi sinh mạng của nhiều người tại Myanmar.

Myanmar rơi vào bế tắc chính trị kể từ ngày 1/2 vừa qua sau khi quân đội nước này bắt giữ các lãnh đạo chính phủ, các thủ hiến vùng và bang cùng các thành viên cấp cao của đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD).

Cộng đồng quốc tế đã hoan nghênh các nỗ lực của ASEAN nhằm đạt được giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng ở Myanmar. Liên minh châu Âu (EU) cho rằng đồng thuận 5 điểm về Myanmar nói trên là "bước tiến đáng khích lệ" trong nỗ lực không ngừng của ASEAN nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay tại quốc gia Đông Nam Á này.

Giới chức Nhật Bản và Hàn Quốc đánh giá đây là bước đi đầu tiên hướng tới việc cải thiện tình hình ở Myanmar./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục