Chính phủ Nga ủng hộ giải pháp nội bộ cho tình hình tại Myanmar

Người phát ngôn Điện Kremlin cho biết Nga rất quan ngại và đang theo dõi sát sao những diễn biến tình hình ở Myanmar và ủng hộ quốc gia Đông Nam Á này giải quyết các vấn đề nội bộ của mình.
Chính phủ Nga ủng hộ giải pháp nội bộ cho tình hình tại Myanmar ảnh 1Người biểu tình tập trung tại Yangon, Myanmar phản đối việc nắm quyền lãnh đạo đất nước của các quan chức quân đội cấp cao, ngày 3/3/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 26/4, Điện Kremlin tuyên bố Nga ủng hộ một giải pháp nội bộ cho tình trạng bất ổn ở Myanmar hiện nay.

Phát biểu trước báo giới tại thủ đô Moskva, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga rất quan ngại và đang theo dõi sát sao những diễn biến tình hình ở Myanmar. Ông nhấn mạnh Nga rất coi trọng quan hệ lâu đời với Myanmar và ủng hộ quốc gia Đông Nam Á này giải quyết các vấn đề nội bộ của mình.

Myanmar rơi vào bế tắc chính trị kể từ ngày 1/2 vừa qua sau khi quân đội nước này bắt giữ các lãnh đạo chính phủ, các thủ hiến vùng và bang cùng các thành viên cấp cao của đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD).

Tại Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN (ALM) diễn ra ngày 24/4 tại thủ đô Jakarta của Indonesia, lãnh đạo các nước ASEAN đã đạt được đồng thuận năm điểm về tình hình Myanmar, trong đó yêu cầu chấm dứt ngay lập tức bạo lực và tất cả các bên phải hết sức kiềm chế, tiến hành đối thoại mang tính xây dựng giữa tất cả các bên liên quan nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình, cử đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN làm trung gian thúc đẩy tiến trình đối thoại, và cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người dân Myanmar thông qua Trung tâm Điều phối hỗ trợ nhân đạo ASEAN (AHA).

[EU hoan nghênh đồng thuận 5 điểm của ASEAN về khủng hoảng Myanmar]

ASEAN cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các nỗ lực không ngừng của Myanmar trong việc giải quyết tình hình ở bang Rakhine, trong đó có việc bắt đầu quá trình hồi hương tự nguyện, an toàn theo các thỏa thuận song phương của nước này với Bangladesh.

Cộng đồng quốc tế đã hoan nghênh các nỗ lực của ASEAN nhằm đạt được giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng ở Myanmar.

Liên minh châu Âu (EU) cho rằng đồng thuận năm điểm về Myanmar nói trên là "bước tiến đáng khích lệ" trong nỗ lực không ngừng của ASEAN nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay tại quốc gia Đông Nam Á này.

Giới chức Nhật Bản và Hàn Quốc đánh giá đây là bước đi đầu tiên hướng tới việc cải thiện tình hình ở Myanmar./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục