LHQ kêu gọi tăng cường đầu tư cho nông nghiệp

Liên hợp quốc kêu gọi cần tăng đầu tư cho nông nghiệp để tăng năng suất và sản lượng lương thực, nhằm tránh khủng hoảng lương thực.
Ngày 18/2, tại Diễn đàn Hội đồng Kinh tế xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC), các chuyên gia lương thực Liên hợp quốc đã kêu gọi ưu tiên đầu tư hơn nữa của cả khu vực công và tư vào phát triển nông nghiệp.

Việc làm trên để tăng năng suất và sản lượng lương thực nhằm mục tiêu ngăn chặn hiểm họa bùng phát tăng giá lương thực dẫn đến khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Nhà kinh tế cấp cao của Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) Jamie Morrison cho rằng các giải pháp chính sách cần thúc đẩy sức bật dài hạn của nông nghiệp toàn cầu nhằm chủ động cân bằng cung cầu lương thực ở thị trường khi nhu cầu lương thực tăng lên, đặc biệt cần tăng năng suất và sản lượng lương thực của các hộ nông dân nhỏ và tăng cường hòa nhập các thị trường, khuyến khích nông dân sẵn sàng đưa sản lượng lương thực dư thừa ra thị trường trên cơ sở có lãi. Để đạt được các mục tiêu này cần đầu tư lớn vào nông nghiệp.

Ông David Nabarro, điều phối viên cấp cao của Liên hợp quốc về an ninh lương thực toàn cầu, viện dẫn hiện trạng thiếu đầu tư như là một trong bốn thách thức chính đối với an ninh lương thực toàn cầu cùng với ba thách thức khác là giá cả gia tăng, các thảm họa thiên nhiên, biến động và mất ổn định chính trị.

Thiếu đầu tư nghiêm trọng và có hệ thống vào nông nghiệp đã trở thành vấn nạn trong 30 năm qua và nay cần phải coi là vấn đề lớn trong tiến trình thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ vào năm 2015.

Ông Paul Larsen, Giám đốc quan hệ đa phương của Chương trình Lương thực thế giới (WFP) nhấn mạnh tình hình lương thực toàn cầu đã cực kỳ nguy hiểm không khác gì “sóng thần lặng lẽ” cần ứng phó khẩn cấp. Khác với tình hình trước khủng hoảng lương thực toàn cầu năm 2008, ngày nay, thế giới đã nhận rõ được nguy cơ.

Cộng đồng toàn cầu, Liên hợp quốc và các tổ chức tài chính toàn cầu thuộc hệ thống Bretton Woods đã tham gia tích cực, cùng thống nhất và sẵn sàng hành động. Tình hình tuy chưa phải là khủng hoảng lương thực toàn cầu nhưng đa số người nghèo không có an sinh xã hội đã rất khó khăn do giá lương thực tăng cao và thiếu nguồn cung cấp.

WFP nhấn mạnh nhu cầu mở rộng và cải thiện mạng an sinh xã hội để những người nghèo và dễ bị tổn thương có thể tiếp cận các nguồn lương thực và các nhu cầu thiết yếu khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục