Thế giới có nguy cơ bỏ lỡ các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) nếu không đẩy nhanh hành động. Đây là lời cảnh báo mà Liên hợp quốc đưa ra trong báo cáo công bố ngày 10/7.
Vào tháng 9/2015, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã nhất trí thông qua 17 mục tiêu SDG hướng tới xóa đói giảm nghèo, chống bất bình đẳng, ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm đảm bảo mọi người dân được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030.
Sử dụng dữ liệu và ước tính mới nhất hiện có, Liên hợp quốc đã thực hiện "Báo cáo Mục tiêu Phát triển Bền vững 2023: Phiên bản Đặc biệt," qua đó đưa ra đánh giá toàn diện về tiến trình triển khai các mục tiêu SDG.
Theo báo cáo này, việc ngừng thúc đẩy nỗ lực toàn cầu để đạt được các SDG có thể gây ra bất ổn chính trị lớn hơn, ảnh hưởng đến nền kinh tế và dẫn đến thiệt hại không thể khắc phục đối với môi trường.
Báo cáo cho rằng những tác động tổng hợp của khủng hoảng khí hậu, cuộc xung đột tại Ukraine, triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm, ảnh hưởng lâu dài của đại dịch COVID-19 đã làm lộ rõ sự yếu kém có hệ thống và cản trở tiến trình hướng tới các mục tiêu SDG.
Theo báo cáo, 50% trong số 140 mục tiêu có thể được đánh giá, đã cho thấy sự chệch hướng vừa phải hoặc nghiêm trọng và hơn 30% trong số mục tiêu này không ghi nhận sự tiến triển nào, thậm chí còn thụt lùi so với mức cơ sở của năm 2015.
[Tổng thư ký LHQ cảnh báo việc thực hiện SDGs không đạt tiến triển]
Liên hợp quốc cũng chỉ rõ những tác động của đại dịch COVID-19 đã cản trở tiến bộ ổn định trong 3 thập kỷ về giảm nghèo cùng cực, khi số người sống trong cảnh nghèo khó cùng cực đã gia tăng lần đầu tiên trong một thế hệ.
Nếu tình trạng này tiếp diễn, Liên hợp quốc cảnh báo đến năm 2030, có 575 triệu người sẽ chưa thể thoát khỏi tình trạng nghèo cùng cực và ước tính 84 triệu trẻ em và thanh niên sẽ không được đến trường.
Cũng theo báo cáo, chính những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất trên thế giới đang phải chịu tác động tồi tệ nhất của những thách thức toàn cầu chưa từng có này.
Tuy nhiên, báo cáo nhấn mạnh thành quả tích cực trong một số lĩnh vực kể từ năm 2015 đã cho thấy tiềm năng của những tiến bộ hơn nữa.
Cụ thể, tỷ lệ dân số toàn cầu được sử dụng điện đã tăng từ 87% vào năm 2015 lên 91% vào năm 2021, khi có thêm khoảng 800 triệu người đã tiếp cận với mạng lưới điện.
Số người sử dụng Internet đã tăng 65% kể từ năm 2015 lên 5,3 tỷ người được kết nối vào năm 2022.
Những thành tựu phát triển quan trọng như vậy chứng tỏ rằng thế giới có thể đạt được bước đột phá để hướng tới tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người thông qua sự kết hợp giữa hành động tập thể và ý chí chính trị mạnh mẽ, cũng như việc sử dụng hiệu quả các công nghệ, nguồn lực và kiến thức sẵn có.
Trong báo cáo, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh con người đang ở thời điểm của sự thật và sự cân nhắc, cùng nhau các nước có thể biến thời điểm hiện tại thành thời điểm của hy vọng.
Ông kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên biến năm 2023 thành thời điểm bắt đầu cho sự tiến bộ về các mục tiêu SDG, qua đó tạo ra tương lai hòa bình và thịnh vượng hơn cho tất cả người dân./.