Libya: Phe đối lập nêu điều kiện đàm phán với chính phủ

Đại hội Nhân dân toàn quốc (GNC) Libya - cơ quan lập pháp cũ cho biết GNC chỉ đàm phán với chính phủ được quốc tế công nhận nếu đàm phán được tổ chức ở Libya.
Libya: Phe đối lập nêu điều kiện đàm phán với chính phủ ảnh 1Phó Chủ tịch GNC - Libya Salah al-Makhzoum. (Nguồn:news.xinhuanet.com)

Ngày 29/1, Đại hội Nhân dân toàn quốc (GNC) Libya - cơ quan lập pháp cũ không chịu từ nhiệm đã nêu điều kiện đàm phán với chính phủ được quốc tế công nhận theo đó phe đối lập sẽ chỉ tham gia nếu đàm phán được tổ chức ở Libya.

Thông báo trên do Phó Chủ tịch GNC Salah al-Makhzoum đưa ra, trong bối cảnh Liên Hiệp Quốc nêu rõ nguyên tắc tổ chức các vòng đàm phán trong tương lai ở Libya là "các điều kiện hậu cần và an ninh phải thỏa mãn".

Phái bộ Liên Hiệp Quốc tại Libya cho biết tại các cuộc đàm phán được nối lại từ ngày 26/1 vừa qua ở Geneva (Thụy Sỹ), các bên đã bày tỏ lo ngại về tình hình an ninh ở nhiều khu vực của nước này, cụ thể là cuộc tấn công khách sạn Corinthia tại thủ đô Tripoli một ngày sau đó.

Vòng đàm phán mới nói trên có sự tham gia của các phe phái đối lập, các tổ chức dân sự và các quan chức Libya nhằm nỗ lực thành lập một chính phủ chuyển tiếp, chấm dứt cuộc khủng hoảng. GNC và liên minh Hồi giáo ủng hộ có tên gọi Fajr Libya (Bình minh Libya) đã tuyên bố không tham gia các cuộc đàm phán tuần này.

Ba năm sau làn sóng chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, Libya vẫn đang phải đối mặt với tình trạng bạo lực leo thang nghiêm trọng và bế tắc chính trị với sự tồn tại của hai chính phủ, hai quốc hội.

Hiện tại Fajr Libya đang chiếm thủ đô Tripoli và lập chính phủ riêng, trong khi chính phủ được quốc tế công nhận và quốc hội dân bầu của Libya đã phải rời trụ sở về thành phố Al-Beida, cách thủ đô Tripoli 1.200km, sau khi từng tạm hoạt động tại các thị trấn Tobruk và Shohat ở cực Đông đất nước.

Bạo lực tại Libya thời gian qua đã làm ít nhất 1.000 người thiệt mạng và hơn 100.000 người phải rời bỏ nhà cửa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục