Liên minh châu Âu có 2 cảnh báo với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam

Văn phòng SPS Việt Nam đã nhận được hai cảnh báo về sản phẩm là đùi ếch đông lạnh (thu hồi sản phẩm trên thị trường Pháp) và bưởi (thu hồi sản phẩm trên thị trường Na Uy).
Liên minh châu Âu có 2 cảnh báo với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam ảnh 1Ảnh minh họa.

Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS) vừa có văn bản gửi Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Cục Bảo vệ thực vật về việc cảnh báo của EU đối với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam do vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm trong tháng 9/2021.

Trong tháng Chín, Văn phòng SPS Việt Nam đã nhận được hai cảnh báo về an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của Liên minh châu Âu đối với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam do vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm.

Cụ thể, cảnh báo số 2021.4784 ngày 2/9/2021, sản phẩm là đùi ếch đông lạnh; biện pháp thực hiện là Pháp thu hồi sản phẩm trên thị trường, Thụy Sĩ tiêu hủy sản phẩm; lô hàng số G2100406 đóng gói bởi Maison GrandJean tương ứng với lô hàng số MP00755 của nhà cung cấp SABAROT; khối lượng không xác định.

[Nông sản Việt Nam vẫn vươn xa bất chấp đại dịch COVID-19]

Nhà sản xuất là Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại và chế biến thực phẩm Ngọc Hà, địa chỉ huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Mối nguy do chứa chất cấm nitrofurans (furazolidone) mức dư lượng 17 µg/kg-ppb; mức độ rủi ro là nghiêm trọng.

Cảnh báo số 2021.4761 ngày 6/9/2021, sản phẩm là bưởi; biện pháp thực hiện là Na Uy thu hồi sản phẩm trên thị trường; lô hàng số 32/1; khối lượng 7,1kg.

Nhà sản xuất là “Nguyen Truc Thuy," địa chỉ: ấp 1, thị trấn Hộ Phòng, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Mối nguy do chứa chất cấm propargite 0,23 ppm và fenobucarb 0,032 ppm, mức dư lượng cho phép theo Chỉ thị số 91/414/EEC cho 2 chất trên ở mức 0,01 ppm; mức độ rủi ro là không xác định.

Văn phòng SPS Việt Nam đề nghị hai đơn vị trên theo chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo rà soát, kiểm tra và yêu cầu các nhà sản xuất có sản phẩm nêu trên rà soát các khâu trong chuỗi quản lý để xác định nguyên nhân và biện pháp khắc phục.

Trên cơ sở kết quả rà soát, kiểm tra, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Cục Bảo vệ thực vật gửi văn bản thông báo kết quả xử lý về Văn phòng SPS Việt Nam để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục