Liên minh châu Âu trước xu hướng dân túy đang trỗi dậy

Liên minh châu Âu (EU) lại phải đối mặt với những nghi ngờ về sự tồn tại của khối, do Đức và Pháp đang đối mặt sự bất ổn trong hàng ngũ lãnh đạo trước trào lưu dân túy đang nổi lên.
Liên minh châu Âu trước xu hướng dân túy đang trỗi dậy ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: aliexpress.com)

Theo AFP, khi năm 2018 sắp kết thúc, Liên minh châu Âu (EU) lại phải đối mặt với những nghi ngờ về sự tồn tại của khối, do Đức và Pháp đang đối mặt sự bất ổn trong hàng ngũ lãnh đạo trước trào lưu dân túy đang nổi lên.

Anh sẽ rời EU vào ngày 29/3 tới, hoặc trong một cuộc ly hôn cay đắng nhưng trật tự hoặc một thỏa thuận Brexit bị đổ vỡ, và chỉ hai tháng sau đó, các cử tri EU sẽ bỏ phiếu bầu Nghị viện châu Âu mới.

"Năm 2019 sẽ là một năm bản lề với những thách thức lớn", Jonathan Faull, cựu quan chức cấp cao của Anh tại Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành có trụ sở tại Brussels, tuyên bố.

Cuộc bầu cử vào tháng 5/2019 sẽ là một cuộc đối đầu giữa các đảng chính thống và các phong trào hoài nghi châu Âu đang đánh vào tâm lý giận dữ của dân chúng đối với người nhập cư.

Chính quyền của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - một người ủng hộ và đấu tranh cho tự do - đã bị sứt mẻ bởi làn sóng biểu tình của phong trào "Áo vàng" làm rung chuyển đất nước, và triều đại kéo dài của Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng sắp kết thúc.

Ông Faull nhấn mạnh: "Chúng ta phải xử lý tất cả những vấn đề từ Brexit, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy và nguyên nhân của nó, cho tới sự ra đi của Merkel trong khi không biết liệu Macron có thể giành lại ưu thế hay không."

Ngay cả khi các chỉ số cho thấy tài chính của châu Âu đã phục hồi sau cuộc khủng hoảng 2008, những vết sẹo từ hậu quả cay đắng của cuộc khủng hoảng tài chính này vẫn hằn sâu lên các nền kinh tế đa dạng và hiện đang bị chia rẽ về chính trị trong EU.

Một quan chức của một quốc gia lớn trong EU nói: "Châu Âu cho đến nay đã đứng vững trong các cuộc khủng hoảng nhờ bộ đôi Pháp-Đức. Nhưng hiện nay, châu Âu đang bị tấn công từ bên trong và có nguy cơ sụp đổ."

Hungary và Ba Lan đã bầu những nhà lãnh đạo từng bị Brussels cảnh báo rằng họ đặt ra mối đe dọa đối với các giá trị dân chủ nền móng của EU.

Phe cực hữu đã giành được nhiều thành tích trong các cuộc bầu cử trên khắp châu Âu, thậm chí tham gia các liên minh cầm quyền ở Áo và Italy.

[Châu Âu sẽ ra sao khi bà Markel có kế hoạch rút lui khỏi chính trường?]

Theo quan chức trên, "Merkel phải cân nhắc kỹ trước khi rời nhiệm sở. Còn rất ít nhà lãnh đạo có khả năng khôi phục tình hình. Macron có vấn đề và tất cả những người khác đang làm rất tệ."

Một nhà ngoại giao giấu tên cho rằng cuộc khủng hoảng tị nạn năm 2015, cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất ở châu Âu kể từ Chiến tranh Thế giới thứ II, đã được xử lý kém.

Merkel và những nhà lãnh đạo khác đã thúc đẩy chính sách hạn ngạch nhằm chuyển những người muốn xin tị nạn từ các quốc gia tiền tuyến như Italy và Hy Lạp, chỉ càng thúc đẩy lực lượng dân túy trỗi dậy ở các khu vực lâu nay dòng người di cư vốn đã quá tải.

"Đó là một sai lầm chính trị," nhà ngoại giao EU nói.

Bị những chính quyền độc tài và những người theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu lợi dụng, cuộc tranh cãi về vấn đề di cư đã phá vỡ EU.

Hơn ba năm qua, có 7 quốc gia EU đã từ chối ký Hiệp ước toàn cầu về di cư an toàn, có trật tự và thường xuyên của Liên hợp quốc được 160 chính phủ thông qua hôm 10/12 tại Morocco.

Bế tắc chính trị liên quan vấn đề di cư đã làm suy yếu Merkel ngay cả trước khi lực lượng nổi loạn trong đảng CDU của bà buộc bà phải nhường chỗ.

Với một đồng minh được "cài cắm" trong ban lãnh đạo đảng, bà Merkel đã cam kết ở lại chức vụ Thủ tướng cho đến khi nhiệm kỳ của bà kết thúc vào năm 2021, nhưng các chuyên gia không loại trừ khả năng diễn ra tổng tuyển cử mà kết quả không chắc chắn.

Tại Pháp, Macron phải đối mặt với một thách thức ngày càng lớn đối với sự lãnh đạo của ông, từ các đối thủ truyền thống cũng như phe "Áo vàng" khó lường, những người đã tổ chức nhiều tuần biểu tình phản đối các chính sách của Macron.

Theo Ngoại trưởng Luxembourg Jean Asselborn, Tổng thống Pháp cũng không thể dùng cách thức của ông để sửa đổi cách thức quản lý của EU nhằm lấy lại đòn bẩy, vì "Đức không thể hoặc không muốn" theo cách của Macron.

Nhà phân tích chính trị người Hà Lan Luuk van Middelaar bình luận: "Quyết tâm của Macron xây dựng lại châu Âu đã rơi vào những cái tai điếc bên ngoài nước Pháp."

Với tỷ lệ cử tri đi bầu thấp trong các cuộc bầu cử lâu nay, cuộc bầu cử châu Âu vào tháng 5/2019 phải đối mặt với các vấn đề khác.

Hiện chưa có nhân vật nổi trội nào tham gia cuộc đua vào chức vụ hàng đầu của Brussels - chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu. Tại Pháp, cuộc bỏ phiếu có thể biến thành một cuộc trưng cầu ý dân về sự lãnh đạo của Macron.

Các đảng hoài nghi châu Âu cũng có thể giành được những thành tựu lớn trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, ngay cả khi sự ra đi của các nghị sĩ EU đến từ Anh sẽ lấy đi nhiều đồng minh của họ.

"Chúng ta phải tránh để châu Âu rơi vào vòng tay kiểm soát của những kẻ muốn phá hủy nó," Ngoại trưởng Asselborn tuyên bố.

Tuy nhiên, cựu Thủ tướng Italy Enrico Letta cho rằng "sẽ rất khó để những người theo chủ nghĩa dân túy tập hợp lại với nhau." Ông nói: "Tôi không đánh giá thấp rủi ro. Chúng tôi nhận thấy một nỗi sợ hãi lớn đang bao trùm khắp mọi nơi. Nhưng không phải mọi thứ đều chệch hướng."

"Khi những người theo chủ nghĩa dân túy bị lên án, họ sẽ rút lui," Letta, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Jacques Delors, nhận định. "EU sẽ không sắp tan rã. Những người ủng hộ Brexit ở Anh và những người theo chủ nghĩa dân túy ở Italy hiểu điều này."

Faull, người đứng đầu nhóm chuyên gia tư vấn kinh doanh quốc tế Brunswick, cũng cho rằng "EU vẫn đoàn kết khi đối mặt với Brexit, các thể chế trong EU vẫn đang hoạt động và không ai muốn từ bỏ đồng tiền chung euro"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục