Liệu quá trình toàn cầu hoá có thành công nếu thiếu Nga?

Liệu Nga có thực sự chịu được áp lực của các lệnh trừng phạt và đối với phương Tây và hệ thống kinh tế toàn cầu, liệu họ có duy trì được khả năng tăng trưởng và phát triển bền vững mà không có Nga?
Liệu quá trình toàn cầu hoá có thành công nếu thiếu Nga? ảnh 1Đồng 2.000 ruble của Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng của Câu lạc bộ chính trị Valdai số ra mới đây có bài viết cho biết các hậu quả kinh tế diễn ra sau ngày 24/2 có thể được tóm tắt gọn thành một câu hỏi đơn giản: liệu toàn cầu hóa bền vững có thể thực hiện được nếu không có Nga.

Câu hỏi này thực ra có nghĩa là liệu Nga có phải là một quốc gia rộng lớn đến như vậy, và các nguồn lực xuất khẩu của nước này có đáng kể trên quy mô toàn cầu hay không, để có thể gây ra những hậu quả không thể đảo ngược đối với động lực toàn cầu hóa nói chung.

Hay đó chỉ như một quốc gia khác bị đẩy ra khỏi quá trình toàn cầu hóa một cách đơn giản do các lệnh trừng phạt, như đã xảy ra với Iran, Triều Tiên, Venezuela, Zimbabwe, mà không có bất cứ hậu quả nào đối với hệ thống kinh tế thế giới.

Trên thực tế, liên quan vấn đề này, Nga đã đặc biệt tin tưởng vào lập luận về vai trò của mình trước ngày 24/2/2022. Bản chất của lập luận này là Nga “quá quan trọng” đối với nền kinh tế châu Âu và thế giới để có thể bị phương Tây loại khỏi hệ thống toàn cầu một cách dễ dàng.”

Tuy nhiên, các nước Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã thực hiện một bước như vậy và phản ứng của họ trước các hành động của Nga được thể hiện bằng các biện pháp trừng phạt cứng rắn quy mô lớn, cũng như việc nhiều công ty phương Tây rút khỏi thị trường Nga và cắt giảm sự hiện diện của họ ở Nga.

[Liên minh châu Âu thông qua gói trừng phạt thứ sáu đối với Nga]

Gói trừng phạt thứ 6 được EU thống nhất gần đây đối với Nga đã gây ra các hạn chế trừng phạt đối với việc cung cấp dầu từ Nga. Gói trừng phạt tiếp theo của EU gồm các lệnh cấm vận đối với khí đốt Nga cũng có thể được áp dụng. Trên thực tế, việc vận chuyển khí đốt đến một số quốc gia châu Âu đã bị ngừng lại do Nga yêu cầu thanh toán bằng đồng Ruble.

Như vậy, đòn đáp trả trừng phạt cứng rắn, có lẽ trái với kỳ vọng của Nga, đã trở thành hiện thực. Trong tương lai, hậu quả thực sự của các lệnh trừng phạt này sẽ trở nên rõ ràng hơn. Đối với bản thân nước Nga, liệu nước này có thực sự chịu được áp lực của các lệnh trừng phạt, và đối với phương Tây và hệ thống kinh tế toàn cầu, liệu họ có duy trì được khả năng tăng trưởng và phát triển bền vững mà không có Nga.

Rõ ràng là hiện tại vẫn còn quá sớm để đưa ra bất cứ dự đoán dài hạn nào. Tuy nhiên, phản ứng của những người tham gia thị trường là rất rõ ràng trong vấn đề này. Vào cuối tháng 5/2022, Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos đã tổ chức một cuộc khảo sát.

Những người tham gia vào một trong các phiên họp của Diễn đàn đã được hỏi xem họ đồng tình với dự báo rằng nền kinh tế thế giới đang đối mặt với suy thoái toàn cầu ở mức độ nào. Và phần lớn những người có mặt đều ủng hộ một kịch bản như vậy.

Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cũng nói về nguy cơ suy thoái gia tăng đối với một số quốc gia khi trả lời phỏng vấn Bloomberg. Câu hỏi duy nhất là liệu cuộc suy thoái dự kiến này có lan rộng toàn cầu hay không.

Trong năm nay, vì những lý do rõ ràng, Diễn đàn Davos lần đầu tiên được tổ chức kể từ đầu những năm 1990 mà không có phái đoàn từ Nga. Do đó, sự kiện lần này có thể được coi là tượng trưng cho tình hình thực tế mới: toàn cầu hóa mà không có Nga.

Ngoài ra, ý nghĩa biểu tượng của Diễn đàn Davos vừa qua còn được thể hiện qua các bài phát biểu của hai bậc thầy về kinh tế và chính trị thế giới - Henry Kissinger và George Soros.

Trong bài phát biểu của mình, ông Kissinger nhấn mạnh rằng sự phát triển của thế giới hiện đang ở một bước ngoặt. Kết quả quân sự và chính trị của cuộc xung đột Ukraine hiện tại sẽ là động lực chính của tất cả các sự kiện trong tương lai. Đối với Kissinger, điểm mấu chốt quan trọng “sau chiến tranh” là câu hỏi liệu các nước từng tham chiến có được tái hoà nhập vào hệ thống kinh tế và chính trị thế giới hay không.

Và tại đây, Henry Kissinger đã thực sự nêu lên chủ đề về sự nguy hiểm của quá trình toàn cầu hóa mà không có Nga, cả xét trên khía cạnh kinh tế và quân sự-chính trị, bởi vì việc Nga bị loại khỏi toàn cầu hóasẽ gây ra mối đe dọa thường xuyên đối với hoà bình trong tương lai, sau khi kết thúc cuộc xung đột hiện nay.

Kết luận tổng thể của Kissinger về vấn đề này là việc ngừng các hành động thù địch hiện tại và nỗ lực tái hoà nhập của Nga vào hệ thống thế giới về toàn cầu hóa không phải là nhượng bộ đối với Putin, mà là phục vụ lợi ích của tính bền vững của quá trình toàn cầu hóa trong tương lai.

Trong bài phát biểu tại Davos, George Soros đã sử dụng khái niệm về một xã hội mở (opensociety) mà trước đó ông này đã phát triển trong các tác phẩm của mình. Theo ông Soros, nguyên nhân sâu xa của cuộc xung đột Ukraine là sự đấu tranh giữa một xã hội mở và một xã hội đóng.

Từ quan điểm này của Soros, có thể rút ra một kết luận hợp lý rằng, thậm chí là trước ngày 24/2, quá trình toàn cầu hóa các hệ thống kinh tế tồn tại tách biệt với địa chính trị và không đi cùng với toàn cầu hóa chính trị xã hội. Và điều này làm cho quá trình toàn cầu hóa kinh tế có thể không bền vững trong tương lai.

Ngay sau khi Nga rút khỏi khuôn khổ toàn cầu hóa, vẫn còn một số quốc gia khá lớn trên thế giới không thuộc loại xã hội mở theo cách phân loại của George Soros. Và đó là lý do tại sao toàn cầu hóa kinh tế một lần nữa có thể trở thành nạn nhân của cuộc đấu tranh địa chính trị và giá trị.

Ông Soros cũng thừa nhận rằng cuộc xung đột quân sự hiện nay là mối đe dọa đối với tương lai của toàn cầu hóa và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Ở phần quân sự-chính trị trong bài phát biểu của mình, ông Soros kết luận rằng về mặt này, nhiệm vụ quan trọng để cứu nền văn minh phương Tây là “đánh bại Putin càng sớm càng tốt."

Sự khác biệt trong cách tiếp cận của hai bậc thầy của nền chính trị thế giới là rất rõ ràng: một mặt là hoà bình tức thì bằng mọi giá và sự tái hoà nhập của nước Nga, và mặt khác là đánh bại Putin bằng mọi giá và loại nước Nga của Putin ra khỏi quá trình toàn cầu hóa.

Nếu nói về những thách thức cụ thể của quá trình toàn cầu hóa bắt nguồn từ cuộc xung đột hiện tại thì trong ngắn hạn và trung hạn, đó là cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, sự thiếu hụt tài nguyên năng lượng, từ đó dẫn tới sự gia tăng về giá cả, lạm phát, giảm mức sống, cũng như trong một số trường hợp, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tất cả điều này có thể dẫn đến sự bất mãn nghiêm trọng trong xã hội ở nhiều quốc gia khác nhau ở phía Tây và phía Nam bán cầu. Về dài hạn, sự suy giảm niềm tin vào đồng USD và quyền bất khả xâm phạm đối với tài sản tư nhân của người nước ngoài ở các nước phương Tây có thể trở thành vấn đề không kém phần quan trọng.

Ví dụ của Nga đã chỉ ra rằng việc giữ tỷ lệ tài sản lớn ở Mỹ và EU và tiền tệ của họ có thể khiến bất cứ quốc gia không phải phương Tây nào có tham vọng chính trị đều dễ dàng bị áp lực trừng phạt. Do đó, việc củng cố tính độc lập của nền kinh tế ở các nước lớn không phải phương Tây (hệ thống công nghiệp, cơ sở hạ tầng và tài chính) có thể trở thành một trong những hậu quả lâu dài chính của cuộc xung đột hiện tại.

Nga thích tự mình thiết lập các cuộc thử nghiệm kinh tế-xã hội quy mô lớn - đã có rất nhiều ví dụ về điều này trong quá khứ. Bây giờ chúng ta đang chứng kiến một thử nghiệm khác sẽ phát triển như thế nào - toàn cầu hóa mà không có Nga. Điều này sẽ dẫn đến đâu, chỉ có thời gian mới có thể trả lời./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục