Lính Israel bị Hamas giam giữ đã về với gia đình

Binh sỹ Gilad Shalit đã được đoàn tụ với gia đình sau 5 năm bị Phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas của Palestine giam giữ ở dải Gaza.
Hãng tin AFP dẫn tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Israel ngày 18/10 cho biết binh sỹ Gilad Shalit đã được đoàn tụ với gia đình sau 5 năm bị Phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas của Palestine giam giữ ở dải Gaza.

Theo nguồn tin, cuộc đoàn tụ diễn ra tại căn cứ không quân Tel Nof gần thủ đô Tel Aviv của Israel ngay sau khi binh sỹ Shalit được các quan chức Ai Cập đưa sang Israel.

Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu cũng có mặt tại buổi đón tiếp cùng với cha mẹ của binh sỹ này.

Trong khi đó, 477 tù nhân Palestine được Israel trao trả trong đợt đầu, trong đó có 27 phụ nữ, cũng đã về đến Bờ Tây thông qua cửa khẩu Rafah giữa Ai Cập và dải Gaza.

Người đứng đầu chính quyền Hamas, Ismail Haneya cùng hàng chục quan chức chính quyền đã có mặt tại cửa khẩu để đón tiếp các tù nhân. Sau đó, toàn bộ những người này được đưa tới thành phố Gaza để tham dự buổi lễ đón tiếp tại đây.

Với vai trò trung gian hòa giải của Ai Cập, tuần trước, Israel và phong trào Hamas của Palestine đã đạt thỏa thuận trao đổi tù nhân, trong đó Israel đồng ý trả tự do cho 1.027 tù nhân Palestine để đổi lấy tự do cho binh sỹ Shalit bị giam giữ ở Gaza từ tháng 6/2006.

Theo thỏa thuận này, quá trình trao trả tù nhân Palestine được chia thành 2 đợt với đợt đầu gồm 477 người diễn ra ngày 18/10, và đợt hai diễn ra trong vòng hai tháng sau đó gồm 550 người còn lại. Tuy nhiên, danh sách các tù nhân trao trả đợt hai vẫn chưa được công bố.

Dư luận quốc tế đã lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận lịch sử này. Ngày 18/10, Thủ tướng Anh David Cameron bày tỏ hy vọng việc trả tự do cho binh sỹ Shalit sẽ đưa khu vực tiến gần hơn với triển vọng hòa bình.

Phát biểu tại thủ đô London, Thủ tướng Cameron khẳng định sẽ tiếp tục sát cánh cùng Israel trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, đồng thời kiên định mục tiêu mang lại hòa bình cho khu vực Trung Đông với hai nhà nước Palestine và Israel cùng tồn tại. Thủ tướng Cameron cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy tiến trình hòa đàm trực tiếp nhằm sớm đạt được mục tiêu cuối cùng.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cũng hoan nghênh việc thả binh sỹ Shalit, đồng thời đánh giá cao vai trò trung gian hòa giải của Ai Cập.

Theo bà Merkel, động thái này không chỉ mở ra triển vọng cho hòa bình Trung Đông, mà còn giúp làm giảm căng thẳng trong quan hệ Israel và Ai Cập. Bộ Ngoại giao Iran cũng hoan nghênh thỏa thuận trao đổi tù nhân giữa Israel và Palestine.

Liên quan đến nỗ lực nối lại tiến trình hòa đàm Trung Đông, cùng ngày 18/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Kiến Siêu cho biết Trung Quốc ủng hộ mọi nỗ lực quốc tế nhằm nối lại đàm phán trực tiếp giữa Israel và Palestine trong thời gian sớm nhất, đồng thời khẳng định đây là thời điểm quan trọng cho tiến trình hòa bình Trung Đông. Trung Quốc hy vọng tất cả các bên liên quan sẽ phối hợp nỗ lực để dỡ bỏ mọi rào cản và tạo điều kiện tốt nhất đưa các bên trở lại đàm phán.

Dự kiến, nhóm Bộ Tứ về hòa bình Trung Đông (gồm Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu, Nga và Mỹ) sẽ tiến hành các cuộc gặp riêng rẽ với giới chức Israel và Palestine vào ngày 26/10 tới tại Jerusalem để bàn về lộ trình nối lại hòa đàm Trung Đông. Vòng đàm phán trực tiếp Israel-Palestine gần đây nhất diễn ra tháng 9/2010, nhưng đã bị đình trệ chỉ sau đó ít ngày khi Tel Aviv không gia hạn việc tạm ngừng xây dựng các khu định cư Do Thái trên các phần đất chiếm đóng của Palestine./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục