Dịch COVID-19 đang tác động mạnh mẽ đến hành vi người tiêu dùng. Hiện nay, nhiều người có xu hướng tìm đến những phương thức trực tuyến hiện đại và an toàn như ví điện tử, mobile banking và sắp tới là mobile money.
Các chuyên gia cho rằng đây chính là cơ hội lớn để phát triển các loại hình thanh toán không dùng tiền mặt.
Trình đề án mobile money trong tháng Tư
Tại Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước triển khai các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng dịch vụ, nhất là phí thanh toán trực tuyến đối với các dịch vụ hành chính công.
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước trình ngay quyết định về việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (dịch vụ mobile money).
[Thí điểm Mobile money: Phải kiểm soát dòng tiền tránh rủi ro]
Chính vì vậy, trong báo cáo gửi Chính phủ mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành hoàn hiện Quyết định về triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ khác có giá trị nhỏ Mobile money, dự kiến trình Chính phủ ngay trong tháng Tư này.
Các doanh nghiệp viễn thông và Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhiều lần thúc giục Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan sớm cấp phép thí điểm mobile money cho các doanh nghiệp viễn thông. Theo Bộ trưởng, tất cả các quốc gia cho phép Mobile money đều tạo ra tăng trưởng kinh tế tới 0,5%.
Hiện dịch vụ Mobile money đã có mặt tại hơn 90 quốc gia với gần 870 triệu tài khoản đăng ký, 272 ứng dụng, doanh số giao dịch mỗi ngày bình quân 1,3 tỷ USD. Tại châu Á, Thái Lan và Ấn Độ, dịch vụ này cũng đang phát triển nhanh với một nửa hoặc 2/3 người lớn có tài khoản mobile.
Các doanh nghiệp viễn thông như Viettel, MobiFone, VNPT cũng cho biết đã sẵn sàng chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết và sẵn sàng cung ứng ngay dịch vụ mobile money nếu được cấp phép.
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, hiện trong lĩnh vực chuyển mạch tài chính có bù trừ điện tử mới chỉ Công ty Cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) là đơn vị duy nhất cung ứng hạ tầng thanh toán cho hàng chục ngân hàng nội địa và quốc tế tại Việt Nam. Trong khi đó, xu hướng dịch chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng tăng. Nếu chỉ dựa vào hệ thống chuyển mạch hiện nay rất khó tăng tốc độ xử lý giao dịch, đẩy nhanh phổ cập tài chính toàn diện trên cả nước.
Cũng theo ông Hiếu, việc có thêm doanh nghiệp tham gia thị trường chắc chắn sẽ tạo nên cạnh tranh mạnh mẽ, giúp giảm chi phí, tăng các tiện ích, thúc đẩy nhanh quá trình thanh toán không dùng tiền mặt.
Đẩy mạnh thanh toán online
Trên thực tế, khi dịch bệnh bùng phát, người dân Việt Nam đã có ý thức chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt nhằm đảm bảo an toàn, hạn chế sự lây lan, truyền nhiễm. Đây chính là “cơ hội vàng” cho lĩnh vực thanh toán điện tử của Việt Nam vì ý thức của người dân đã được nâng cao.
Tính từ sau Tết Nguyên đán Canh tý đến nay (tức từ giai đoạn bắt đầu bùng phát dịch COVID-19 và được miễn, giảm phí), tổng số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt qua hệ thống chuyển mạch tài chính của Ngân hàng Nhà nước tăng 76% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, lượng giao dịch giá trị nhỏ dưới 500.000 đồng tăng từ 21% lên 25% tổng số giao dịch. Tổng giá trị giao dịch tăng 124% so với cùng kỳ năm 2019. Điều này cho thấy xu hướng gia tăng sử dụng các giao dịch trực tuyến và các công cụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Điều này cũng được thể hiện ở việc người tiêu dùng lựa chọn thanh toán qua mã VNPAY QR hay qua Momo tăng mạnh.
Một lãnh đạo của Ví điện tử MoMo cho biết, trước đây, thị trường thanh toán điện tử sau Tết thường có xu hướng giảm. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, tỷ lệ tăng trưởng tại Momo là hơn 100% so với dự đoán. Giá trị đơn hàng thanh toán bình quân cũng tăng mạnh từ 50-100%.
Cũng theo lãnh đạo này, người tiêu dùng mua và chi tiêu nhiều hơn, trước đây chỉ mua 1-2 món hàng, nay họ mua hàng và thanh toán trên ví điện tử nhiều hơn. Đa số các giao dịch tại MoMo tập trung vào thanh toán siêu thị, các cửa hàng tiện lợi, thanh toán các khoản vay tài chính tiêu dùng, trả tiền điện, nước, mua sắm thương mại điện tử...
Chị Nguyễn Thu Trang (Long Biên-Hà Nội) cho biết bên cạnh dùng thanh toán online qua tài khoản ngân hàng, chị thường dùng thêm các app khác như VNPAY QR, Ví Việt, app Sacombank, MB để thanh toán những món hàng giá trị nhỏ.
“Tôi thấy rất tiện ích, lâu rồi tôi không dùng tiền mặt, một phần là đồ dùng thiết yếu trong gia đình đều không mua ở chợ mà chủ yếu ra siêu thị hoặc các cửa hàng tiện ích nhỏ. Giờ nếu có thêm phương thức thanh toán dịch vụ Mobile money do các nhà mạng viễn thông cung cấp thì vùng phủ dịch vụ thanh toán điện tử sẽ mau chóng đến 100% người dân. Điều này sẽ càng dễ dàng và thuận lợi hơn trong thanh toán các món giá trị nhỏ,” chị Trang chia sẻ.
Các chuyên gia cũng đánh giá, nếu mobile money được sử dụng, số lượng người tham gia sẽ rất lớn, bởi hiện nay hơn 50% dân số Việt Nam hiện chưa có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và có tới 99% các giao dịch dưới 100.000 đồng là bằng tiền mặt. Vì vậy, hình thức thanh toán này rất phù hợp với những hàng hoá như cốc trà đá, vé gửi xe, bánh xà phòng, gói mì tôm, cho đến hóa đơn điện, nước, giáo dục, y tế, vay tín dụng..., người dân sẽ rút điện thoại ra để thanh toán.
Do đó, mobile money phát triển sẽ góp phần cung ứng cho toàn bộ người dân một kênh giao dịch, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt nhanh chóng và thuận tiện.
Cũng theo một số chuyên gia ngân hàng, mobile money có rất nhiều ưu điểm, đặc biệt là sự thuận tiện, chi phí thấp, khả năng phủ sóng tốt…
Tuy nhiên, mobile money cũng tiềm ẩn một số rủi ro như: dữ liệu có thể thiếu chính xác (nhiều sim rác), bảo mật dữ liệu khách hàng của nhà mạng kém hơn ngân hàng, khó kiểm soát hoạt động của các đại lý, nguy cơ mất tiền của khách hàng cao hơn ngân hàng…
Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn dữ liệu, bảo vệ tiền trong tài khoản của người dân cũng như chống gian lận, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan rất thận trọng trong đưa ra hành lang pháp lý trước khi cấp phép thử nghiệm mobile money./.