Mặc dù hàng năm, Việt Nam đưa được số lượng không nhỏ lao động sang làm việc tại khu vực Trung Đông-Bắc Phi, nhưng tiềm năng thị trường này vẫn còn rất lớn.
Tại cuộc tọa đàm hợp tác lao động giữa Việt Nam với các đối tác Trung Đông-Bắc Phi tổ chức ngày 5/11, đại diện các nước Trung Đông-Bắc Phi đã thẳng thắn đưa ý kiến cho rằng để mở rộng cơ hội hợp tác thì cần phải đào tạo lao động trước khi đưa đến thị trường này.
Nhu cầu lớn, cạnh tranh cao
Hợp tác lao động giữa Việt Nam với Trung Đông-Bắc Phi đã có quá trình 10 năm. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 30.000 lao động làm việc tại các nước trong khu vực này, tập trung ở Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Qatar, Libya và Algeria và một số nước khác.
Thị trường lao động ở Trung Đông-Bắc Phi có tính chất mở, tiếp nhận nhiều lao động phổ thông, được đánh giá là phù hợp với trình độ và điều kiện của người lao động Việt Nam vốn nhanh nhẹn, chăm chỉ.
Bên cạnh đó, quá trình phục hồi, phát triển sau các cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị, của một số thị trường như Libya, Qatar khiến nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam đang tăng trở lại trong thời gian gần đây.
Trong các nước Trung Đông-Bắc Phi thì Saudi Arabia là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất, với khoảng 15.000 người hiện đang làm việc tại đây. Ngành nghề chủ yếu là xây dựng, cơ khí, vận tải và giúp việc gia đình.
Đại sứ Việt Nam tại Saudi Arabia ông Trần Nguyễn Tuyên cho biết, Saudi Arabia có dân số hơn 30 triệu dân nhưng có tới 8 triệu lao động người nước ngoài làm việc tại đây, trong đó chỉ có 15.000 lao động người Việt; vì vậy, còn rất nhiều cơ hội cho lao động Việt Nam muốn sang Saudi Arabia làm việc.
Dù đã có hơn 10 năm hợp tác về lao động nhưng vẫn còn có những trở ngại cho việc xuất khẩu lao động Việt Nam sang thị trường này. Đó là khoảng cách địa lý khá xa, sự khác biệt về phong tục, tập quán, văn hóa, tôn giáo, điều kiện khí hậu, thời tiết… khiến lao động Việt Nam khó thích nghi và làm việc hiệu quả.
Ngoài ra, Trung Đông-Bắc Phi là thị trường mở nên có sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước cung ứng lao động.
Người lao động Việt Nam chịu sức ép cạnh tranh đến từ nhiều nước Nam Á như: Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Sri Lanka vì lao động các nước này có sự gần gũi về văn hóa và tinh thần, sẵn sàng chấp nhận mức lương thấp. Bên cạnh đó, lao động đến từ Đông Nam Á như Philippine và Thái Lan lại có lợi thế về khả năng tiếng Anh so với lao động Việt Nam.
Đào tạo cho phân khúc thị trường mới
Sức ép cạnh tranh về lao động ngày càng gay gắt đòi hỏi Việt Nam phải có những chính sách mới để giữ và phát triển thị trường xuất khẩu lao động Trung Đông-Bắc Phi.
Đại sứ Palestine tại Việt Nam ông Saadi Salama cho rằng, các nước Trung Đông-Bắc Phi có tiềm năng lớn về tiếp nhận lao động nước ngoài, tuy nhiên, một phần nào đó lao động Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của các nước trong khu vực này.
“Lao động Việt Nam có tay nghề, chịu khó nhưng thiếu kỹ năng và cần phải được đào tạo trước khi đi làm việc ở nước ngoài,” Đại sứ Palestine tại Việt nam nhận xét.
Theo Đại sứ Saadi Salama, Việt Nam nên xây dựng những trung tâm đào tạo lao động trước khi đi xuất khẩu lao động. Họ cần được biết được về phong tục, tập quán, văn hóa của nước đến.
Ông Saadi Salama cho rằng việc xây dựng các trung tâm này không khó và rất cần thiết và nếu cần thì sứ quán các nước Trung Đông-Bắc Phi có thể hỗ trợ để giúp lao động Việt Nam vượt qua khó khăn khi đi làm việc ở nước ngoài.
Đồng tình với quan điểm cần tập trung vào việc đào tạo lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài, tuy nhiên Đại sứ Trần Nguyễn Tuyên cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc xây dựng các chiến lược dài hạn về hợp tác lao động cho thị trường này.
Theo Đại sứ Trần Nguyễn Tuyên, cần có phải có chiến lược phát triển 6 tháng, 1 năm hay thậm chí là 10 năm với những mục tiêu, chiến lược, bước đi cụ thể thì sự hợp tác về lao động mới đạt kết quả cao./.