Lời kêu cứu từ bảo tàng Không gian văn hóa Mường Hòa Bình

Ông Vũ Đức Hiếu, giám đốc bảo tàng Không gian văn hóa Mường đã gửi đơn khắp nơi để kêu cứu về việc ngôi nhà Lang trăm tuổi bị cháy.
Lời kêu cứu từ bảo tàng Không gian văn hóa Mường Hòa Bình ảnh 1Bảo tàng không gian văn hóa Mường từng là nơi lưu giữ những giá trị truyền thống của đồng bào dân tộc (Nguồn: TTXVN)

Ông Vũ Đức Hiếu, giám đốc bảo tàng Không gian văn hóa Mường đã gửi đơn khắp nơi để kêu cứu về việc ngôi nhà Lang trăm tuổi trong bộ sưu tập cổ vật người Mường của mình đã cháy.

Dù có rất nhiều nhân chứng và đã xác định được bốn đối tượng có liên quan đến vụ cháy song vụ án đã được cơ quan điều tra công an thành phố Hòa Bình tạm đình chỉ vụ án.

Tại sao đình chỉ vụ án?

Đó là thắc mắc của không chỉ ông Vũ Đức Hiếu mà còn là thắc mắc của toàn bộ các nhân chứng chứng kiến vụ cháy nhà Lang khi nhận được quyết định tạm dừng điều tra hình sự vì không xác định được thủ phạm [Trước đó, công an thành phố Hòa Bình trả lời báo chí rằng vụ án này đã từng được gia hạn điều tra vì tính chất nghiêm trọng của nó - PV].

Theo ông Hiếu, việc xác định được bốn đối tượng liên quan đến vụ án (tại thời điểm nhà Lang cháy) là du khách tham quan Bảo tàng Không gian văn hóa Mường vào ngày 24/10/2013 có rất nhiều nhân chứng. Các nhân chứng này đã khẳng định bốn du khách này đã có mặt trên nhà Lang, họ rời khỏi khi nhà Lang bốc cháy và cố tình bỏ chạy dù đã bị ngăn cản và không quay lại tham gia hoạt động chữa cháy.

Trả lời báo chí, trung tá Phạm Văn Tiện, Phó thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra Hòa Bình, cho rằng không có bằng chứng xác định việc bốn du khách này gây cháy. Ông Tiện nói việc bốn du khách lái xe rời bảo tàng Không gian văn hóa Mường không phải để bỏ chạy mà để đưa xe ra khỏi khu vực cháy cho an toàn và để gọi lực lượng chữa cháy. Ông Tiện cũng cho biết bốn du khách trên có quay lại tham gia dập lửa cùng các nhân viên bảo tàng Không gian văn hóa Mường.

Ông Vũ Đức Hiếu cho biết ông rất bất ngờ trước những thông tin mà trung tá Tiện - đại diện phát ngôn của công an thành phố Hòa Bình trả lời với báo chí: “Tôi và các nhân chứng có mặt khẳng định rằng chẳng có ai quay lại tham gia dập lửa cả! Việc bốn du khách đó nói họ đưa xe đi tránh lửa cách nơi cháy đến 7,5km hay gọi cứu hỏa cách bảo tàng khoảng 10km đã cho thấy sự phi lý của họ rồi.”

Ông Hiếu cũng đưa ra bằng chứng về việc Bảo tàng không gian văn hóa Mường - đối tượng bị hại của vụ án - không hề nhận được bất cứ thông tin nào thêm về kết quả điều tra, giải quyết vụ việc theo quy định tại điều 51, Bộ luật Tố tụng hình sự về việc người bị hại được quyền thông báo về kết quả điều tra.

“Họ [Cơ quan điều tra công an thành phố Hòa Bình - PV] không thông báo gì cho chúng tôi từ khi khởi tố vụ án [1/11/2013 - PV] đến nay. Người của Bảo tàng phải đến 'đòi' thì phía công an mới đưa ra văn bản. Cách điều tra lạ lùng này tôi mới thấy lần đầu” - ông Vũ Đức Hiếu bức xúc.

Sự chua xót của người trong cuộc

Trả lời phóng viên, ông Vũ Đức Hiếu cho biết ông rất buồn vì ngôi nhà Lang bị cháy không chỉ là một tài sản mà còn là một di sản có giá trị lịch sử, được lưu giữ qua nhiều thế hệ. “Ngôi nhà Lang cháy rụi khiến khoảng 200 cổ vật khác của văn hóa Mường được tôi tìm kiếm, sưu tầm gần 20 năm nay cũng thành tro bụi. Người ta có thể mô phỏng và phục dựng giống với hình dạng các cổ vật nhưng giá trị văn hóa của chúng làm sao so sánh được với những cổ vật thật sự?” - ông Hiếu nói.

Nhà Lang là nơi cư ngụ của quan Lang - chức vị cao nhất trong cộng đồng người Mường. Nhà Lang được truyền lại theo hình thức cha truyền cọn nối theo tính kế thừa huyết thống của các quan Lang.

Ngôi nhà Lang bị cháy tại Bảo tàng không gian Mường là ngôi nhà Lang trăm tuổi cuối cùng tại Hòa Bình. Trước đây nó thuộc sở hữu của gia đình bà Hà Thị Lợi ở Mường Chậm, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình.

Bà Lợi đã mất cách đây bốn năm vì tuổi già. Con bà Lợi là ông Hà Công Tiêu, khi được báo tin vụ cháy, đã bật khóc vì biết bao kỷ niệm của gia đình ông trong ngôi nhà Lang ấy đã thành tro bụi.

“Tôi buồn lắm khi nghe nhà Lang cháy và có đề nghị anh Vũ Đức Hiếu giữ lại cho tôi số tro tàn từ vụ cháy. Gia đình tôi đồng ý để anh Bảo tàng Không gian văn hóa Mường gìn giữ ngôi nhà Lang ấy vì mục đích bảo tồn văn hóa lâu dài để con cháu người Mường nhớ về truyền thống và du khách xa gần biết đến. Giờ nhà Lang cháy rồi thì phải tìm cho được thủ phạm để xét xử theo pháp luật chứ!”

Ông Trần Duy Từ, tổ trưởng tổ dân phố 12 phường Thái Bình, thành phố Hòa Bình - nơi đặt trụ sở Bảo tàng không gian văn hóa Mường cho biết: “Không chỉ có tôi mà còn nhiều người khác chứng kiến vụ cháy và tham gia chữa cháy đều sẵn sàng làm chứng rằng bốn người khách kia không hề quay lại tham gia chữa cháy. Mất đi nhà Lang là một điều rất đáng tiếc bởi đó là vật thể hiện các giá trị văn hóa. Về việc tại sao không xử lý những người đó thì tôi không dám khẳng định nhưng có suy nghĩ rằng tiêu cực xã hội có những ẩn số của nó mà những người có trách nhiệm cần làm rõ.”

Bà Đinh Thị Phú, nhân viên bảo tàng và cũng là nhân chứng vụ việc rất bức xúc: “Khi thấy nhà Lang bốc cháy thì những du khách này lập tức lên xe đóng cửa lại. Tôi chạy đến chặn đầu chiếc xe có biển số 28A-00023 thì họ lên ga rất to như muốn đâm thẳng tới khiến tôi sợ quá phải tránh ra. Chúng tôi 'không đánh người chạy lại' nhưng họ không hề quay lại để cùng chữa cháy; đến giờ cũng không một lần quay lại xin lỗi chứ đừng nói là đền bù cho bảo tàng.”

Trao đổi với phóng viên, những nhân chứng khác cũng cho biết họ rất chua xót trong vụ việc này và mong sự việc không bị “chìm xuồng” dù vụ cháy có quá nhiều thứ được phơi bày.

Bốn đối tượng du khách bỏ chạy là ai?

Theo thông tin cung cấp bởi Bảo tàng Không gian văn hóa Mường Qua thì bốn du khách liên quan trực tiếp đến vụ cháy đã được tìm ra, ba trong số đó đang là công chức ở tỉnh Hòa Bình.

Đó là các ông Vũ Hồng Ký (sinh năm 1958, trú tại khu 5, thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong), là cán bộ quân đội về hưu; ông Trần Quang Hòa (sinh năm 1972, trú xã Sủ Ngòi, thành phố Hòa Bình), là Phó giám đốc công ty Nông sản - Thực phẩm tỉnh Hòa Bình; bà Lê Thị Nhài (sinh năm 1965, trú tại khu 2, thị trấn Kỳ Sơn), là cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp huyện Cao Phong và bà Phạm Thị Ngọc (sinh năm 1980, trú phường Đồng Tiến, thành phố Hòa Bình), kế toán của trường Trung học phổ thông Ngô Quyền, thành phố Hòa Bình.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục