Lợi nhuận của BMW giảm mạnh trong quý 2 do chi phí và đầu tư gia tăng

BMW đã chi 1,4 tỷ euro vào hoạt động nghiên cứu và phát triển trong quý 2, và đầu tư 1,2 tỷ euro vào các nhà máy mới để hiện đại hóa hoạt động sản xuất và chuẩn bị cho các mẫu xe mới.
Trụ sở BMW tại Munich, Đức. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nhà sản xuất ôtô hạng sang BMW mới đây cho biết lợi nhuận ròng của hãng giảm 29% xuống còn 1,48 tỷ euro (1,63 tỷ USD) trong quý 2 so với cùng kỳ năm ngoái, do “ông lớn” này gia tăng đầu tư vào việc sửa sang nhà máy và các công nghệ mới như xe chạy pin và các dịch vụ dựa trên điện thoại thông minh.

BMW đã chi 1,4 tỷ euro vào hoạt động nghiên cứu và phát triển trong quý 2, và đầu tư 1,2 tỷ euro vào các nhà máy mới để hiện đại hóa hoạt động sản xuất và chuẩn bị cho các mẫu xe mới.

Ngoài ra, BMW cũng phải gánh chịu chi phí sản xuất gia tăng do giá nguyên liệu thô cao hơn và tỷ lệ xe điện sản xuất ra cũng tăng lên.

[CEO BMW cảnh báo nguy cơ "cùng thua" nếu Brexit không thỏa thuận]

“Ông lớn” này cho biết đã tăng được thị phần ở thị trường Trung Quốc chủ chốt mặc dù thị trường ở đây nhìn chung đang suy yếu.

BMW cho biết doanh số và doanh thu của hãng đều tăng lên trong giai đoạn từ tháng 4-6/2019 dù các thị trường toàn cầu yếu đi. Doanh số tăng 1,5% lên 647.500 xe, nhờ liên doanh BMW Brilliance tại Trung Quốc. Doanh thu của nhà sản xuất ôtô Đức này cũng tăng 2,9% lên 25,7 tỷ euro.

Tỷ suất lợi nhuận hoạt động của BMW đạt 6,5% trong quý 2, thấp hơn mức 8,6% cùng kỳ năm ngoái, nhưng với mức này, BMW vẫn có thể đạt được mục tiêu tỷ suất lợi nhuận từ 4,5-6,5% như dự báo cho cả năm nay.

Con số này đã được hạ thấp xuống khi tính đến khoản tiền 1,4 tỷ euro để giải quyết vụ kiện về chống độc quyền của Liên minh châu Âu (EU) trong quý 1. Khả năng sinh lời như vậy vẫn nằm dưới mục tiêu chiến lược dài hạn của BMW là 8-10%.

BMW nói riêng và toàn ngành sản xuất ôtô nói chung đang đối mặt với một thách thức kép, đó là kiếm tiền từ việc bán các loại xe truyền thống rồi lại đầu tư hàng tỷ USD vào các công nghệ mới như xe tự hành và xe chạy pin, cũng như các dịch vụ mới giúp người dùng không cần phải sở hữu xe như các ứng dụng gọi xe và chia sẻ xe.

Ngành ôtô cũng đang đối mặt với những “cơn gió ngược” từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và tình trạng doanh số ôtô tăng trưởng chậm lại tại Trung Quốc, thị trường ôtô lớn nhất thế giới.

Bên cạnh đó, quy định giới hạn khí thải CO2 nghiêm ngặt hơn của EU đang khiến các nhà sản xuất ôtô phát triển các loại xe điện dù xe chạy bằng pin hiện chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong doanh số ôtô toàn ngành do giá thành cao và những lo ngại về pin.

Trung Quốc cũng đang hối thúc các nhà sản xuất ôtô ở nước này tăng cường sản xuất các dòng xe điện và xe lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục