Giá dầu hồi phục mạnh mẽ, nhưng tác động tiêu cực từ dịch COVID-19 khiến doanh thu và lợi nhuận quý 3/2021 của nhiều doanh nghiệp ngành dầu khí sụt giảm.
Lợi nhuận giảm vì COVID-19
Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp dầu khí đã chậm lại trong quý 3/2021 do những tác động tiêu cực từ dịch COVID-19. Đơn cử, quý 3, Tổng Công ty Khí Việt Nam-PV GAS (mã chứng khoán: GAS) ước lợi nhuận đạt 2.299 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.861 tỷ đồng, lần lượt giảm 11,5% và 7% so với cùng kỳ năm trước.
PV Gas cho biết trong 9 tháng năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, huy động khí của khách hàng giảm, đặc biệt là huy động khí cho điện bằng khoảng 72% cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch của Bộ Công Thương giao, huy động khí Đông Nam bộ đạt khoảng 84%, Tây Nam bộ khoảng 70%.
Đặc biệt, từ ngày 11/8 đến nay, huy động khí cho sản xuất điện Đông Nam bộ chỉ đạt khoảng từ 5,6-8,5 triệu m3/ngày và Tây Nam bộ từ 1,1-1,3 triệu m3/ngày.
Nhu cầu khí, sản phẩm khí của các hộ công nghiệp, thị trường trong nước giảm 35-40% đối với LPG (khí hóa lỏng) và 30% đối với khí thấp áp, khí thiên nhiên nén (CNG) so với thời điểm trước khi dịch COVID-19 bùng phát lần 4.
Nguyên nhân là do nhiều khách hàng dừng, giảm sản xuất, kinh doanh. Dự báo thời gian tới, số lượng khách hàng dừng, giảm tiêu thụ khí tiếp tục tăng, dẫn đến sản lượng khí có thể sụt giảm từ 40-50% so với thời điểm trước dịch bùng phát.
Bên cạnh đó, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa (LPG, CNG), huy động nguồn lực triển khai các dự án chỉ duy trì được khoảng 40% lực lượng lao động tại công trường so với trước thời điểm dịch bùng phát do siết chặt đi lại, cũng như việc xem xét, phê duyệt của các cơ quan chức năng liên quan các hoạt động đầu tư xây dựng, cước phí, giá khí... gặp nhiều khó khăn. Chi phí cho các hoạt động tăng cao do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Trong quý 4, dự báo dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, việc trở lại hoạt động bình thường mới rất khó khăn, đặc biệt ở các tỉnh, thành phía Nam sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng của PV GAS; trong đó, nhu cầu huy động khí của khách hàng điện tiếp tục ở mức thấp và thiếu ổn định; kinh doanh các sản phẩm khí thấp áp (KTA), CNG, LPG dự báo khó khăn do các khách hàng công nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, dừng, giảm sản xuất, hoặc chỉ duy trì hoạt động cầm chừng; nhu cầu LPG của thị trường giảm do thực hiện giãn cách xã hội.
Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) nhận định quý 3/2021 có thể là đáy lợi nhuận của PV GAS trong năm 2021, khi sụt giảm về sản lượng lẫn gia tăng các chi phí liên quan phòng chống COVID-19.
Đối với Công ty cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn (mã chứng khoán: BSR), hoạt động kinh doanh chính là sản xuất dầu mỏ tinh chế, bán buôn nhiên liệu rắn, lỏng khí với các dòng sản phẩm chủ đạo là xăng, khí hóa lỏng, dầu và hạt nhựa.
Công ty cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn được Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) giao trách nhiệm tiếp nhận, quản lý và vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất với công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô/năm.
Trong hai tháng 7 và 8/2021, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, BSR đã đem về doanh thu khoảng 11.896 tỷ đồng, tương ứng bình quân mỗi tháng là gần 6.000 tỷ đồng, giảm 26% so với bình quân nửa đầu năm 2021.
[Chứng khoán tuần từ 18-22/10: Xu hướng tăng điểm vẫn chưa thay đổi]
Công ty chứng khoán Mirae Asset Vietnam cho rằng, quý 3/2021 sẽ là quý thấp điểm nhất của Công ty cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn và kỳ vọng sẽ phục hồi từ quý 4/2021.
Công suất nhà máy Dung Quất đã có sự phục hồi trở lại từ mức 85% tại ngày 22/09/2021 lên mức 100% công suất vào tháng 10/2021. Công ty cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn đã duy trì hoạt động khá ổn định, tập trung các sản phẩm hóa dầu để tăng doanh thu trong giai đoạn khó khăn.
Đối với Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã chứng khoán: PVS), các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán SSI ước tính lãi trước thuế hợp nhất quý 3/2020 của doanh nghiệp này chỉ khoảng 200 tỷ đồng, giảm 29% so với quý 3/2020, do các các chỉ thị giãn cách xã hội đã dẫn đến việc giảm năng suất và giá sản phẩm hầu hết các phân khúc của doanh nghiệp.
Cổ phiếu tăng theo giá dầu
Trong thời gian gần đây, nhóm cổ phiếu dầu khí có diễn biến rất tích cực. Việc cổ phiếu dầu khí liên tiếp đi lên được nhận định là do nhà đầu tư kỳ vọng vào triển vọng sáng của giá dầu.
Giá dầu thô đã tăng mạnh trong năm nay sau khi một đợt hồi phục trong các hoạt động hậu bùng nổ đại dịch đã bắt đầu đẩy mạnh nhu cầu tiêu thụ, dẫn tới cạn kiệt lượng dầu tồn kho.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên và than đã càng đẩy nhanh hơn tốc độ tăng trưởng nhu cầu về nguồn sản xuất năng lượng thay thế và nhiên liệu đốt tại châu Á và châu Âu ngay trước thời điểm mùa Đông.
Trên thực tế, theo ông Francisco Blanch tới từ ngân hàng Hoa Kỳ, giá dầu thô có thể tăng lên tới mức 100 USD một thùng do những quyết định chuyển đổi nguyên liệu đốt.
Tuy nhiên trong thời gian ngắn hạn, giá dầu thô West Texas Intermediate có thể bị bán tháo nếu như giá loại dầu thô này rớt xuống dưới mức 79,30 USD/thùng. Theo ông Razaqzada - nhà phân tích thị trường tài chính của ThinkMarkets, mọi đợt mất giá cho tới khi giá dầu thô đạt mức 76,50 USD/thùng rất có khả năng sẽ được các thương nhân coi là cơ hội mua tích trữ.
Dù vậy, kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Gita Gopinath cho hay giá năng lượng đã phục hồi mạnh sau đợt lao dốc hồi năm 2020, chủ yếu nhờ nhu cầu tăng cao khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi sau giai đoạn ảnh hưởng từ đại dịch.
Trên thị trường năng lượng, một mùa Đông lạnh giá kéo dài rồi theo sau là một mùa Hè đặc biệt nóng đã dẫn đến nhu cầu năng lượng lớn hơn trong khi khiến nguồn dự trữ cạn kiệt, đặc biệt là dự trữ khí đốt ở châu Âu.
Dẫn lời từ Giám đốc nghiên cứu Damien Courvalin của ngân hàng Mỹ Goldman Sachs, Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cho biết, giá dầu sẽ ở mức cao trong vài năm tới đây, khi nhu cầu tăng mạnh mà nguồn cung vẫn thắt chặt.
Theo MBS, ông Courvalin đã nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC ngày 14/10 rằng, đây không phải là một cú sốc mùa Đông mang tính tạm thời như trường hợp có thể đối với khí đốt. Đây thực chất là sự khởi đầu của một cuộc định giá lại đối với dầu thô.
Hôm 11/10, giá dầu tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm, khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) lần đầu tiên tăng trên 80 USD/thùng kể từ tháng 10/2014, khiến các thị trường chứng khoán lớn lao dốc.
Diễn biến tăng giá năng lượng đã làm dấy lên lo ngại rằng lạm phát có thể xảy ra thậm chí cao hơn và cản trở sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Nhóm phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, giá dầu sẽ vẫn là động lực dẫn dắt nhóm cổ phiếu dầu khí trong thời gian tới.
Bất chấp những khó khăn trong hoạt động của ngành dầu khí trong năm 2021 do làn sóng COVID-19 hiện tại, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT tin rằng đà tăng mạnh của giá dầu hiện nay sẽ không chỉ thúc đẩy giá cổ phiếu trong ngắn hạn mà còn cải thiện nền tảng cơ bản của ngành trong những năm tới.
Điều này là do giá dầu tăng có thể mang lại nhiều động lực hơn cho các đơn vị liên quan để tái khởi động những dự án lớn tại Việt Nam, trước tiên là mang lại cơ hội rất lớn cho các công ty thượng nguồn như Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (mã chứng khoán: PVD) và Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã chứng khoán: PVS).
Đơn cử như tất cả các giàn khoan tự nâng của Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí đều đã ký hợp đồng trong 6 tháng cuối năm, cho thấy hoạt động thăm dò và khai thác (E&P) tại Việt Nam đang được đẩy mạnh nhờ đà tăng giá hiện nay. Đáng chú ý tại Việt Nam, giá dầu Brent duy trì trên 60 USD/thùng là điều kiện thuận lợi để hoạt động E&P hoạt động hiệu quả.
Theo quan điểm của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT giá dầu Brent trung bình hàng năm kỳ vọng sẽ dao động quanh mức 70 USD/thùng trong năm trong giai đoạn 2021-2023.
Thực tế trước biến động tích cực của giá dầu, cổ phiếu của các doanh nghiệp trong ngành đã tăng trưởng mạnh mẽ từ đầu năm đến nay. Có thể kể đến như OIL tăng 23%, GAS tăng 26%, PVD tăng 43,6%, PVS tăng 52,6%, BSR tăng hơn 125,4%./.