Long An: Phát triển hạ tầng giao thông kết nối các đô thị trung tâm

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An Nguyễn Văn Út, muốn phát triển bền vững đòi hỏi phải có một hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông đồng bộ và hợp lý.
Long An: Phát triển hạ tầng giao thông kết nối các đô thị trung tâm ảnh 1Đầu tư hạ tầng giao thông được tỉnh Long An chú trọng nhằm tạo sự thuận lợi, thông thoáng trong giao thương, liên kết vùng. (Ảnh: Báo Long An)

Tỉnh Long An đang tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và đã có nhiều chuyển biến tích cực; các tuyến đường giao thông khang trang, hiện đại, dần hình thành kết nối đồng bộ, thay đổi diện mạo của địa phương.

Đáng chú ý, tuyến đường ĐT.830 kết nối các địa phương vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh như: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc…; kết nối các khu, cụm công nghiệp đến hệ thống cảng biển và kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương trong khu vực thông qua tuyến Quốc lộ 1, Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương… Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và thông thương hàng hoá.

Cùng đó, các tuyến giao thông quan trọng như ĐT.825, ĐT.823, ĐT.826B… cũng được xây dựng hoàn thiện, tạo nên một hệ thống giao thông tương đối hoàn chỉnh. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, giúp Long An trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư suốt nhiều năm qua.

Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đồng Tâm, cho biết thời gian qua, chính quyền các cấp tỉnh Long An rất quan tâm đến việc phát triển hạ tầng giao thông; trong đó, có nhiều dự án kết nối trực tiếp đến Cảng quốc tế Long An.

Khi các dự án hoàn thiện sẽ tạo ra sự kết nối thông suốt từ khu, cụm công nghiệp đến cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa cho doanh nghiệp trên địa bàn, một phần của Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An Nguyễn Văn Út, muốn phát triển bền vững đòi hỏi phải có một hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông đồng bộ và hợp lý. Trong khi đó, hệ thống giao thông của Long An dù được đầu tư mạnh mẽ nhưng vẫn chưa thực sự đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.

[Đầu tư hạ tầng giao thông đón đầu sân bay Long Thành: Động lực kết nối]

Long An vừa nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vừa là cửa ngõ kinh tế của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, có lợi thế rất lớn về địa lý kinh tế.

Vì vậy, việc chỉnh trang, nâng cấp hạ tầng là rất cần thiết nhằm tạo động lực mới, thúc đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân; đồng thời  xây dựng tỉnh theo hướng văn minh, hiện đại đảm bảo cho sự phát triển bền vững trên nhiều lĩnh vực.

Thời gian tới, Long An sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hệ thống giao thông nhằm đi trước một bước, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong tương lai. Trong giai đoạn từ nay đến 2025, tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện một số dự án giao thông quan trọng như tuyến ĐT.830 giai đoạn hai, đường vành đai thành phố Tân An.... Đồng thời, triển khai thực hiện nhiều dự án mới như tuyến đường ĐT.830E, ĐT.827E, ĐT.823D, ĐT.822B,…

Trong số đó, dự án đường ĐT.830E, ĐT.827E là được xác định la hai công trình giao thông trọng điểm, đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển hạ tầng đô thị, kết nối giao thông, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Các tuyến đường này khi hình thành sẽ góp phần kết nối các khu, cụm công nghiệp quan trọng từ Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc… đến cảng Hiệp Phước-Thành phố Hồ Chí Minh, Cảng quốc tế Long An.

Cùng đó, tạo ra quỹ đất trống để chỉnh trang và mở rộng, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, thu hút vốn đầu tư nhằm phát triển kinh tế-xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển tỉnh Long An trở thành đô thị văn minh, hiện đại. Cùng với hệ thống giao thông đã có sẵn, các dự án này khi hoàn thành sẽ góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông thuận tiện và đồng bộ của tỉnh Long An nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.

Theo Sở Giao thông Vận tải Long An, dự án đường ĐT.827E có chiều dài trên 35km kết nối tỉnh Long An với Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Tiền Giang; dự án đường ĐT.830E có chiều dài hơn 9,3km. Tổng mức đầu tư giai đoạn một của mỗi dự án khoảng 1.200 tỷ đồng không tính chi phí giải phóng mặt bằng.

Hiện nay, Sở đang phối hợp với đơn vị tư vấn tiến hành khảo sát, lập dự án, dự kiến đến tháng 4/2022 sẽ triển khai lựa chọn nhà thầu thi công. Song song đó, Sở tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông quan trọng như Đường Vành đai thành phố Tân An, đường ĐT.830 giai đoạn hai… và tổ chức khởi công xây dựng mới nhiều dự án giao thông mang tính chất đột phá như ĐT.823D, ĐT.822B, ĐT.817…

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An Nguyễn Văn Út, địa phương xác định mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông theo hướng hiện đại, tăng cường tính kết nối các trung tâm đô thị lớn, các trung tâm tăng trưởng và các khu vực trong tỉnh với nhau; đảm bảo vận chuyển hàng hóa, hành khách an toàn, hiệu quả.

Đồng thời, việc phát triển mạng lưới giao thông hiệu quả có tính cạnh tranh và gắn kết với mạng lưới giao thông vùng tạo điều kiện cho tỉnh trở thành cửa ngõ thực sự nối kết giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, đột phá theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần 11 của tỉnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An sẽ thực hiện nhiều cơ chế, chính sách nhằm huy động mọi nguồn lực đầu tư; thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị, địa phương liên quan. Đặc biệt, tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục