Rộn ràng xóm bánh tét

Long An: Xóm bánh tét Đức Hòa rộn rã đón Xuân

Mỗi độ Xuân về, xóm bánh tét ở thị trấn Đức Hòa, Long An, lại rộn rã bởi không khí làm việc khẩn trương của các hộ dân vào mùa bánh tét.
Mỗi độ Tết đến Xuân về, thị trấn Đức Hòa (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) lại trở nên rộn rã  bởi không khí làm việc khẩn trương của các hộ dân vào mùa bánh tét.

Từ lâu, vùng dân cư này được gọi thành xóm bánh tét bởi phần lớn người dân ở đây có truyền thống làm nghề gói loại bánh đặc trưng cho ngày Tết này.

Mùa Xuân dường như luôn về sớm ở xóm bánh tét hơn những nơi khác. Nhiều hộ dựng lều ngoài sân để phục vụ cho việc gói và nấu bánh tét để bán trong ba ngày 26-27 và 28 âm lịch.

Chị Nguyễn Thị Thu Lệ, cư dân xóm bánh tét, cho biết nghề gói bánh tét khá vất vả, thức khuya dậy sớm nhưng người dân không chỉ coi đây là nghề mưu sinh mà còn xem là nghề truyền thống cần gìn giữ.

Nhiều nhà, con cái đi làm công nhân, Tết được nghỉ sớm là họ về nhà gói bánh tét cùng gia đình. Từ 3 giờ sáng, xóm bánh tét đã lục tục trở dậy. Người thì lên đường đem bánh ra các đầu mối ở chợ trong tỉnh và các tỉnh lân cận như Bến Tre, Tiền Giang, Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên để tiêu thụ, người thì ở nhà rửa lá, nấu đậu chuẩn bị gói tiếp đợt bánh mới...

Mỗi ngày, các hộ trong xóm tiêu thụ từ 2-3 tấn nếp để làm bánh, viì thế nguồn nguyên liệu ở địa phương ngày khan hiếm. Vào tháng 10, tháng 11 âm lịch, bà con thường tỏa đi đến các huyện lân cận thu mua nếp tươi về xay, rồi đi đến các tỉnh như Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước tìm nguồn đậu xanh, đậu đen mua về dự trữ.

Hầu như nhà nào cũng dự trữ ít nhất từ 500-1.000kg đậu xanh, đậu đen, 2-3 tấn nếp, nhà nào khá thì dự trữ 5-8 tấn nếp, 2-3 tấn đậu xanh để có nguyên liệu gói bánh quanh năm...

Chị Nguyễn Thị Tư, người có hơn 13 năm với nghề gói bánh tét, giới thiệu: Nhìn bề ngoài, chiếc bánh tét Đức Hòa không có gì khác biệt so với bánh tét các vùng miền khác, vẫn lá chuối xanh, dây cột bằng sợi lác hoặc dây bàng. Nhưng ở bên trong, bánh tét Đức Hòa rất ngon và đẹp mắt với màu nếp xanh mướt, hạt nếp nở đủ độ, căng tròn, kết lại rắn chắc, hòa với đậu xanh nhuyễn mịn tỏa hương thơm.

Chị Tư cho biết, để có bánh tét ngon, nguyên liệu đầu vào phải được chọn lựa thật kỹ. Nếp mua tận miệt Cần Đước, Cần Giuộc, Châu Thành mới dẻo và thơm. Thịt ba rọi phải ngon, đậu xanh tròn hạt và đều nhau. Lá chuối gói bánh to bản, tươi xanh, dây cột chắc, bền không để nước thấm vào khi nấu.

Khi nấu, quá trình thay nước, canh lửa được đặc biệt chú ý. Khâu này thì phải có kinh nghiệm, nước châm vào nồi phải ngập bánh, lửa nhỏ đều. Trước khi xuất lò cần xả nước trong nồi rồi cho nước lạnh để tráng bánh, có như vậy, lá bánh mới xanh, sạch và giữ được lâu từ 8-12 ngày.

Bánh tét Đức Hòa có được thương hiệu mà khách hàng nhiều tỉnh biết đến là nhờ bà con lưu giữ nghề truyền thống mang đậm nét hồn quê. Bên cạnh đó, nghề gói bánh tét mang lại thu nhập khá cao, bình quân 70.000-80.000 đồng/ngày/người cho những lao động nhàn rỗi, còn các hộ nấu bánh bỏ mối lãi từ 7-10 triệu đồng/tháng./.

Thanh Tuấn (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục