Miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt và việc xử lý “ngân hàng 0 đồng” là những vấn đề gây nhiều tranh cãi trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn trong phiên làm việc sáng 18/9.
Cân nhắc kỹ việc miễn trách nhiệm
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến trong Ủy ban đề nghị cân nhắc quy định về miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt vì không đảm bảo tính thống nhất với Luật Cán bộ, công chức.
Theo đánh giá của cơ quan soạn thảo, cán bộ tham mưu của Ngân hàng Nhà nước, cán bộ tham gia Ban kiểm soát đặc biệt, cán bộ được điều động tham gia vào quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém phải tham gia xử lý một công việc rất khó, phức tạp, không có tiền lệ, quy định của pháp luật, lại chưa được đầy đủ và một số trường hợp gặp rủi ro pháp lý.
Từ thực tế đó, không ít cán bộ tìm cách từ chối khi được giao thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến xử lý tổ chức tín dụng yếu kém; thiếu hụt nguồn nhân lực tham gia xử lý tổ chức tín dụng yếu kém là vấn đề đang vướng mắc hiện nay.
Để đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém được kiểm soát đặc biệt, việc có quy định về miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt là rất cần thiết, ông Vũ Hồng Thanh nói và cho biết Ủy ban Kinh tế sẽ tiếp tục phối hợp với Cơ quan soạn thảo rà soát quy định những nguyên tắc, trường hợp cụ thể tránh lợi dụng quy định miễn trừ này.
Đề nghị cân nhắc kỹ quy định này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga bày tỏ băn khoăn bởi điều này còn liên quan đến chính sách, quan điểm của cơ quan tố tụng.
Dẫn quy định của Bộ luật Hình sự về căn cứ miễn trách nhiệm hình sự, bà Nga cho rằng, thông lệ luật pháp Việt Nam từ xưa đến nay những căn cứ này không quy định ở luật chuyên ngành mà chỉ quy định ở Bộ luật Hình sự, nay lại quy định ở luật chuyên ngành là thay đổi quan điểm về lập pháp.
Quan điểm xử lý của cơ quan tố tụng tùy theo từng trường hợp, nếu hình sự hóa nhiều sẽ ảnh hưởng đến hệ thống và tâm tư, tình cảm, động lực làm việc của cán bộ ngân hàng điều hành ở cấp dưới.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cần làm rõ miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu tổ chức tín dụng là miễn trách nhiệm kỷ luật hành chính, dân sự, hay hình sự.
Chủ tịch Quốc hội phân tích, theo quy định của luật, cán bộ, công chức trong thi hành công vụ có nghĩa vụ thực hiện đúng, đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn được giao, có quyền được pháp luật bảo vệ khi thực thi công vụ, nghĩa là nếu trong quá trình tham gia thực hiện cơ cấu lại các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt thì cán bộ, công chức đó phải là thành viên của Ban kiểm soát đặc biệt, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đúng quy định của pháp luật.
Nếu làm đúng pháp luật, đầy đủ trách nhiệm thì không có lý do gì mà không được pháp luật bảo vệ.
Đồng tình với Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, miễn trách nhiệm như vậy sẽ xung đột và “không ai đi miễn trách nhiệm dân sự, hình sự, hành chính mà các luật đó đã ghi rất rõ.” “Đánh giá trung thực, khách quan thì không ai truy tố được,” Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, khi tham gia vào Ban kiểm soát đặc biệt của các tổ chức tín dụng không chỉ có cán bộ, công chức mà trưng tập cả người của các tổ chức tín dụng, chủ yếu là cán bộ của các ngân hàng thương mại nhà nước, họ không phải là cán bộ, công chức nên quy định ở dự án Luật này không trái với quy định của Luật Cán bộ, công chức.
Lý do đưa ra quy định này, theo ông Hưng, là do người tham gia tái cơ cấu có tâm lý hoang mang, nặng nề khi tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, không thể nào dự báo hết rủi ro xảy ra trong quá trình kiểm soát đặc biệt.
[Thảo luận về Nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng]
Làm rõ điều kiện và thời điểm chuyển giao bắt buộc
Cơ chế, điều kiện, tiêu chí chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt cũng như chỉ định tổ chức tín dụng nhận chuyển giao cũng là vấn đề nhiều đại biểu quan tâm.
Ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cho rằng việc này cần bảo đảm khách quan, bảo đảm quyền lợi của các bên, phù hợp với tinh thần Hiến pháp.
Dự thảo luật quy định kể từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước ban hành quyết định chuyển giao bắt buộc, toàn bộ quyền và lợi ích của chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc chấm dứt.
Theo Thường trực Ủy ban Kinh tế, việc hạn chế quyền cổ đông theo định hướng của luật là hoàn toàn phù hợp và bảo đảm tính hợp hiến, do về bản chất, tình trạng tài chính của ngân hàng đã quá yếu kém, không thể phục hồi và các cổ đông của ngân hàng không thể có giải pháp phục hồi ngân hàng, giá trị thực của vốn điều lệ của ngân hàng này đã âm (tài sản nợ nhiều hơn tài sản có). Quy định này cũng phù hợp với thông lệ nhiều nước đã áp dụng.
Tuy nhiên Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng vẫn băn khoăn về quy định quyền của cổ đông, khi mà Hiến pháp đã quy định rõ về bảo hộ tài sản.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng thừa nhận các phương án xử lý cuối cùng với ngân hàng mua lại 0 đồng còn lúng túng, vì thiếu quy định pháp lý, không đủ cơ sở để Chính phủ áp dụng. Nếu không có cơ sở pháp luật thì Chính phủ không đủ cơ sở pháp lý để xử lý đối với ngân hàng đã mua.
Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, khi mà cổ đông không còn năng lực tài chính để phục hồi tổ chức tín dụng thì đương nhiên mất quyền, nghĩa vụ với tư cách là cổ đông và phải có nhà đầu tư mới tiếp quản, không trái với Hiến pháp.
Lý giải thêm, một cán bộ khác của Ngân hàng Nhà nước cho rằng mua 0 đồng nhưng chính là chuyển giá bắt buộc. Lĩnh vực ngân hàng có đặc thù “chết không chôn được,” vì ngân hàng nhận tiền của dân, ảnh hưởng đến hệ thống, vốn mất hết nhưng không phá sản được mà trong tình huống bắt buộc phải có phương án giải cứu, phải chuyển giao bắt buộc.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng cần làm rõ bản chất pháp lý của phương án chuyển giao bắt buộc cũng như sự khác nhau giữa chuyển giao bắt buộc và mua 0 đồng.
Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị bỏ khái niệm mua ngân hàng 0 đồng, bởi đây là khái niệm mù mờ, thực chất là chuyển giao bắt buộc.
Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ phải giải trình thêm vấn đề này. Không dùng từ “0 đồng” mà dùng chuyển giao bắt buộc nhưng phải làm rõ điều kiện và khi nào chuyển giao bắt buộc và phải xin ý kiến Bộ Chính trị về vấn đề này./.