Sáng 7/11, tiếp tục chương trình làm việc, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Chính phủ trình dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) và thảo luận dự thảo Luật Quản lý ngoại thương. Đây là lần đầu tiên Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật này.
Bên lề Quốc hội, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đoàn Quảng Bình cho rằng, từ thực tế ách tắc hàng hóa ở các cửa khẩu, nhiều hàng hóa không xuất được phải hủy, trong đó những mặt hàng chính như dưa hấu, nông sản, chăn nuôi, do vậy trong Luật Quản lý Ngoại thương cần quy định rõ về xuất khẩu chính ngạch và tiểu ngạch.
- Ông đánh giá thế nào về Luật Quản lý Ngoại thương?
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương: Luật lần này có điều chỉnh thay đổi cơ bản và tạo thông thoáng cho hoạt động xuất nhập khẩu, mở rộng trong quan hệ trao đổi hàng hóa.
Tất nhiên, luật cần làm rõ thêm và tạo điều kiện thuận lợi hơn, ví dụ như phải làm thế nào để hoạt động xuất nhập khẩu giữa các cửa khẩu quốc tế có đường đi chính thống hơn, giảm đi tiểu ngạch.
Vì xuất qua tiểu ngạch hiện rất lúng túng và đặc biệt là các cơ quan, doanh nghiệp tham gia xuất khẩu đường tiểu ngạch thường bị động, cho nên các cửa khẩu qua Trung Quốc thường bị ùn ứ hàng hóa, thậm chí nhiều hàng hóa phải đem đổ bỏ.
Bên cạnh đó, trong quá trình hội nhập với quốc tế thì nhiều vấn đề liên quan đến luật chưa được thông thoáng thì phải điều chỉnh thêm, nhất là khâu làm thủ tục phải được sửa đổi theo hướng tinh giản và thông thoáng.
- Gần đây có nhiều thương lái nước ngoài hoạt động lén lún, thu mua nhiều loại nông sản, giống, gia súc... theo kiểu tận diệt, vậy theo ông cần phải có giải pháp gì?
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương: Các thương lái Trung Quốc đến Việt Nam hoạt động thu mua nông sản vừa qua một phần do khâu quản lý chưa chặt chẽ, trong quá trình thu gom, một số đối tượng có biểu hiện lừa đảo làm cho người dân chạy theo lợi nhuận trước mắt mà ảnh hưởng đến uy tín lâu dài.
Đơn cử như việc thu gom đỉa, móng bò... làm đảo lộn tình hình kinh tế trong nước và một số lĩnh vực bị ảnh hưởng, nhiều mặt hàng sau đó bị lấn át và bị cạnh tranh ngược lại từ phía Trung Quốc, từ chỗ mình xuất khẩu có thể chuyển sang nhập khẩu.
Quốc hội khóa 13 tôi đã chất vấn Bộ Công Thương cần làm rõ trách nhiệm quản lý hoạt động của các thương lái này, liệu có vấn đề gì liên quan ảnh hưởng đến kinh tế không.
- Vấn đề ách tắc hàng hóa thường xảy ra ở các cửa khẩu trong những dịp cuối năm, vậy theo ông trong luật cần làm rõ những điểm gì?
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương: Từ thực tế ách tắc hàng hóa ở các cửa khẩu, nhiều hàng hóa không xuất được phải hủy, trong đó những mặt hàng chính như dưa hấu, nông sản, chăn nuôi, do vậy trong luật cần quy định rõ về xuất khẩu chính ngạch và tiểu ngạch.
Nhà nước cần tính đến việc khơi thông được chính ngạch và hạn chế tiểu ngạch, nhằm hạn chế những bất hợp lý trong việc ách tắc này cũng như những sự cố đáng tiếc.
- Luật này theo ông nên bổ sung những điểm gì?
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương: Luật vẫn còn trong quá trình dự thảo nên còn chồng chéo giữa luật này với luật khác, cũng như chưa thống nhất về một số điểm và luật nào cũng vậy. Do vậy sau khi có các hội thảo góp ý và lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội và nhà khoa học thì dần dần tất cả những chồng chéo sẽ được loại bỏ và bổ sung những điểm làm tăng tính thực tiễn.
- Xin cảm ơn ông./.