Luật Quản lý thuế vừa được Quốc hội thông qua đã tiếp thu những gì?

Sáng 13/6, với 442/453 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết bỏ phiếu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Quản lý thuế sửa đổi.
Luật Quản lý thuế vừa được Quốc hội thông qua đã tiếp thu những gì? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Quốc hội đã chính thức biểu quyết thông qua Luật Quản lý thuế (sửa đổi) với 91,32% đại biểu biểu quyết tán thành.

Đáng chú ý trong dự thảo được trình bày trước khi biểu quyết là nhiều vấn đề nóng được các đại biểu nêu lên đã được giải trình, tiếp thu.

Có còn việc thuế kiểm tra lại kết quả kiểm toán?

Một trong những nội dung được Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày trong báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo Luật Quản lý thuế sáng 13/6 là nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan Kiểm toán nhà nước và Thanh tra Nhà nước (điều 21, 22 trong dự thảo).

[Truy thu thuế Unilever: Bộ Tài chính và Kiểm toán Nhà nước 'vênh' nhau]

Đây là vấn đề đã được các đại biểu Quốc hội lên tiếng nhiều lần trước đó. Trong dự thảo trước đó, nội dung này được đề xuất: "Trong quá trình thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước nếu phát sinh trường hợp người nộp thuế không đồng ý với nghĩa vụ thuế phải nộp thì người nộp thuế có văn bản đề nghị cơ quan quản lý thuế xem xét lại nghĩa vụ thuế phải nộp. Căn cứ đề nghị của người nộp thuế, cơ quan quản lý thuế thực hiện việc xác định chính xác nghĩa vụ thuế người nộp thuế phải nộp và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật."

Giải thích cho điều này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, thực tiễn, khi cơ quan thuế chấp hành các kết luận kiểm toán, thanh tra để ra quyết định thu thuế thì nhiều trường hợp khiếu kiện, khiếu nại. Và, khi kiện ra tòa, người nộp thuế kiện quyết định truy thu thuế của cơ quan thuế chứ không phải của Kiểm toán Nhà nước hay Thanh tra Chính phủ.

Tuy nhiên, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định cơ quan quản lý thuế thực hiện việc xác định chính xác nghĩa vụ thuế khi có khiếu nại là chưa phù hợp với Hiến pháp và Luật Kiểm toán Nhà nước. Có ý kiến đề nghị bỏ các nội dung trên trong luật.

Tiếp thu ý kiến này, ông Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra và soạn thảo bổ sung quy định: Khi người nộp thuế chưa đồng ý với nghĩa vụ thuế phải nộp thì người nộp thuế có văn bản đề nghị cơ quan quản lý thuế và cơ quan Kiểm toán nhà nước, Thanh tra nhà nước xem xét lại nghĩa vụ thuế phải nộp.

Qua đó, "Kiểm toán nhà nước, Thanh tra nhà nước chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý thuế thực hiện việc xác định chính xác nghĩa vụ thuế của người nộp thuế và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật."

"Việc quy định như dự thảo Luật đã khẳng định cơ quan quản lý thuế là đối tượng kiểm toán, thanh tra và phải có trách nhiệm thực hiện kết luận, kiến nghị của cơ quan Kiểm toán nhà nước và Thanh tra nhà nước," ông Hải nói.

Hoãn xuất cảnh nếu chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế

Về xử lý với việc chậm nộp tiền thuế, có ý kiến cho rằng việc quy định tiền chậm nộp ở mức 0,03%/ngày là thấp hơn so với lãi suất ngân hàng, dẫn đến việc các doanh nghiệp cố tình chây ì, chậm nộp tiền thuế. Một số đại biểu đề nghị cần nghiên cứu tăng mức tính tiền chậm nộp ở mức cao hơn.

Tuy nhiên, trong giải trình sau đó, ông Nguyễn Đức Hải nêu quan điểm, trong giai đoạn vừa qua, do biến động của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn vì lý do khách quan. Do đó để nuôi dưỡng nguồn thu, tạo điều kiện và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Quốc hội đã nhiều lần điều chỉnh giảm mức tiền chậm nộp (từ 0,07% xuống 0,05% và hiện nay là 0,03%/ngày).

Mặt khác, theo ông, mức tính tiền chậm nộp 0,03%/ngày tương đương với mức 10,95%/năm. Trong khi ấy, lãi suất huy động bằng Việt Nam đồng hiện nay khoảng 4,5 - 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng. Mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay phổ biến từ 6 đến 9%/năm đối với các khoản cho vay ngắn hạn.

Như vậy, ông Hải đánh giá mức tiền chậm nộp hiện nay đã vượt quá mức lãi suất cho vay cao nhất trên thị trường. Từ đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép giữ như dự thảo trước đó.

Một nội dung khác được quan tâm là hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh. Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định “nếu chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh”.

Tiếp thu ý kiến này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo rà soát, chỉnh lý dự thảo theo hướng trên. Cụ thể, điều 66 trong dự thảo luật ghi rõ: "Người nộp thuế thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thuế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài, trước khi xuất cảnh từ Việt Nam phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh."

Với những nội dung tiếp thu trên, sáng 13/6, với 442/453 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết bỏ phiếu tán thành (chiếm 91,32% tổng số đại biểu Quốc hội tham gia), Quốc hội đã thông qua Luật Quản lý thuế (sửa đổi)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục