Luật Viễn thông: Cần siết bảo mật thông tin, chặt chẽ trong đấu giá

Bảo vệ quyền lợi của người sử dụng dịch vụ viễn thông, điều chỉnh trong quy định đấu giá thuê bao là những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận tại nghị trường.
Luật Viễn thông: Cần siết bảo mật thông tin, chặt chẽ trong đấu giá ảnh 1Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bảo mật thông tin, đấu giá số thuê bao và đóng góp Quỹ dịch vụ Viễn thông công ích là những vấn đề được các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận khi góp ý cho dự thảo Luật Viễn Thông (sửa đổi) tại cuộc họp chiều nay, 25/10.

Chống bỏ cọc khi tổ chức đấu giá thuê bao 

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, chính sách của Nhà nước về viễn thông, đảm bảo an toàn thông tin, các hành vi bị cấm trong hoạt động viễn thông, kinh doanh viễn thông, quản lý thị trường viễn thông, dịch vụ điện toán đám mây, Quỹ viễn thông công ích, công trình viễn thông, quy hoạch đất sử dụng cho công trình viễn thông, quản lý sim rác… cùng các vấn đề khác các đại biểu quan tâm.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định bày tỏ sự đồng tình với nội dung tại điểm c khoản 4 Điều 50 của dự thảo Luật về giá khởi điểm đấu giá số thuê bao dịch vụ viễn thông di động mặt đất được xác định bằng tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người theo giá hiện hành của năm liền kề trước thời điểm đấu giá theo công bố của Tổng cục Thống kê tính trong một ngày.

Tuy nhiên, theo đại biểu Cảnh, trong thực tế có rất nhiều số thuê bao có giá trị cao đến rất cao so với giá khởi điểm. Do đó, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho rằng cần phân nhóm trong số có giá trị tiềm năng cao vì vừa tăng thu ngân sách, vừa giảm số lượng người trúng đấu giá sau đó lại bỏ cọc.

Luật Viễn thông: Cần siết bảo mật thông tin, chặt chẽ trong đấu giá ảnh 2Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị cần phân nhóm thuê bao trong đấu giá. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Nếu không phân nhóm sẽ xảy ra nhiều trường hợp bỏ cọc khi nhiều số trúng đấu giá lên tới vài chục, vài trăm triệu đến vài tỷ đồng. Người trúng đấu giá sau đó thấy không phù hợp với nhu cầu thì họ sẽ trả lại số đấu giá và chỉ mất cọc tương đương với 262.000 đồng,” đại biểu Cảnh nói.

“Siết” bảo mật thông tin

Quan tâm đến vấn đề bảo mật thông tin, đại biểu Dương Tấn Quân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong đảm bảo bí mật và chia sẻ thông tin.

Đại biểu Dương Tấn Quân cho biết theo quy định hiện hành, việc thu thập thông tin phải được sự đồng ý của người sử dụng dịch vụ và việc đồng ý đó có thể được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, tại dự thảo luật lại quy định: Người sử dụng dịch vụ viễn thông đồng ý cung cấp thông tin thuê bao sau khi doanh nghiệp viễn thông đã thông báo rõ ràng công khai bằng hình thức phù hợp với người sử dụng về mục đích, phạm vi thu thập, sử dụng thông tin.

[Quốc hội công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm của 44 cá nhân]

Theo đại biểu, quy định như vậy chưa phù hợp và cần cân nhắc theo hướng không quy định việc này cho doanh nghiệp viễn thông mà nên quy định trách nhiệm cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc chia sẻ, bảo mật thông tin với điều kiện đã được trang bị thiết bị công nghệ kỹ thuật công nghệ thông tin hiện đại, kiểm soát người sử dụng bị khai thác thông tin, dẫn đến lộ lọt thông tin cá nhân.

Luật Viễn thông: Cần siết bảo mật thông tin, chặt chẽ trong đấu giá ảnh 3Đại biểu Dương Tấn Quân phát biểu tại phiên thảo luận. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Về quyền, nghĩa vụ của đại lý dịch vụ viễn thông tại Điều 14, vị Đại biểu này đề nghị xem xét sửa đổi bổ sung điểm c khoản 2 Điều 14 liên quan đến quy định về “chịu sự kiểm tra kiểm soát của doanh nghiệp viễn thông ký hợp đồng đại lý dịch vụ viễn thông” thành “chịu sự kiểm tra kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước địa phương” để đảm bảo vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực chuyên ngành có liên quan…

Đại biểu Trần Kim Yến, Đoàn Đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng để bảo vệ quyền lợi của người sử dụng dịch vụ viễn thông, dự thảo luật đã nêu quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia giao dịch. Tuy nhiên, trong thực tiễn, người sử dụng dịch vụ thường bị thiệt thòi trong khi các quy định bảo vệ họ ở dự thảo luật còn chưa rõ ràng.

Đại biểu đề nghị bổ sung Điều 4 của dự thảo Luật việc phát hiện, xử lý kịp thời những sai phạm trong lĩnh vực viễn thông để có thể bảo vệ quyền lợi của người sử dụng dịch vụ.

Không nên xem xét miễn giảm đóng Quỹ Dịch vụ Viễn thông

Quan tâm đến nội dung về Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, dự thảo luật đã sửa đổi nhiều nội dung về Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, hoạt động dịch vụ viễn thông công ích một cách phù hợp hơn. Tuy nhiên, quy định tại Điều 32 của dự thảo Luật về Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích Việt Nam còn chung chung.

Luật Viễn thông: Cần siết bảo mật thông tin, chặt chẽ trong đấu giá ảnh 4Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga thảo luận về Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đại biểu cho rằng quy định về tổ chức, hoạt động, nguồn kinh phí, sử dụng nguồn kinh phí cho hoạt động bộ máy của quỹ còn chưa cụ thể, chưa đảm bảo chi tiết để có thể thực hiện hiệu quả. Cụ thể, về điều kiện để giao nhiệm vụ hỗ trợ, cung cấp, sử dụng dịch vụ viễn thông công ích, thiết bị đầu cuối, điều kiện đặt hàng hỗ trợ sử dụng dịch vụ viễn thông công ích, điều kiện đấu thầu, cung cấp sử dụng dịch vụ viễn thông công ích, thiết bị đầu cuối và điều kiện hỗ trợ trực tiếp đối tượng sử dụng dịch vụ viễn thông công ích, thiết bị đầu cuối.

Dự thảo có liệt kê các điều kiện cụ thể, và điều kiện cuối cùng là “các điều kiện khác.” Đại biểu đề nghị làm rõ nội dung của “các điều kiện khác” đồng thời cần rà soát, sửa đổi lại nội dung nghị định, vì đây là nội dung rất quan trọng trong dự án luật.

Về mức đóng góp, đối tượng được miễn giảm đóng góp vào Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, đại biểu cho rằng, không nên xem xét miễn giảm cho các doanh nghiệp viễn thông vào quỹ này, dù là doanh nghiệp mới tham gia thị trường cung cấp dịch vụ viễn thông. Đại biểu đề nghị đóng góp theo doanh thu. Theo đó, doanh nghiệp mới, nhỏ sẽ đóng góp với mức ít hơn.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề cập đến một số vấn đề khác. Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng cần có chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút đầu tư cho vùng khó khăn thay vì quy định quá chung chung như dự thảo Luật. Đại biểu Đồng Ngọc Ba, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định nhận định điểm a khoản 5 Điều 9 dự thảo Luật quy định chưa phù hợp, cụ thể như việc cấm sử dụng các thiết bị gắn, lắp, kết nối với đồng thời nhiều sim.

Sẽ tiếp thu và hoàn thiện

Tại cuộc họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy giải trình, tiếp thu, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận.

Về vấn đề đấu giá, ông Lê Quang Huy cho hay quy định đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet là xu hướng phát triển. Vấn đề này không chỉ được điều chỉnh trong Luật Viễn thông mà cả trong Luật Tần số vô tuyến điện. Cơ quan soạn thảo và thẩm tra cũng đã nghiên cứu thêm về giá khởi điểm sau khi tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội.

“Vấn đề này sẽ được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện đảm bảo quy định pháp luật có liên quan, trong đó có pháp luật về đấu giá,” ông Lê Quang Huy nói.

Luật Viễn thông: Cần siết bảo mật thông tin, chặt chẽ trong đấu giá ảnh 5Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy giải trình. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Về nghĩa vụ của các doanh nghiệp viễn thông và các đại lý, ông Huy khẳng định trách nhiệm không chỉ của các doanh nghiệp, các đại lý và của cả cơ quan quản lý Nhà nước. “Cơ quan quản lý không đứng ngoài cuộc trong lĩnh vực này,” ông nhấn mạnh.

Đối với ý kiến về Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam, ông Lê Quang Huy cho biết đây là vấn đề quan trọng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, nhất là vùng lõm sóng. Thời gian qua, Quỹ này hoạt động hiệu quả nhưng cũng còn một số hạn chế. Vì vậy, việc sửa đổi các quy định liên quan đến Quỹ nhằm đảm bảo Quỹ hoạt động hiệu quả hơn.

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội ghi nhận các ý kiến tâm huyết, sâu sắc của đại biểu Quốc hội đóng góp hoàn thiện dự thảo luật. “Các ý kiến góp ý sẽ được tiếp thu, giải trình đầy đủ trước khi trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp này,” ông Huy nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục