'Ma men' và phận đời phía sau tay lái: Xót xa những cái chết oan uổng

Khi vẫn còn những tiếng “dô, dô,” cạn chén cộng với sự thiếu ý thức sau khi uống rượu, bia mà vẫn lái xe thì sẽ vẫn còn đó những vụ tai nạn giao thông đau lòng, những cái chết oan uổng.
'Ma men' và phận đời phía sau tay lái: Xót xa những cái chết oan uổng ảnh 1Hiện trường vụ tai nạn ở hầm Kim Liên do lái xe Lê Trung Hiếu gây ra sau khi uống rượu bia. (Nguồn: Otofun)

“Sau tang lễ của hai bạn, giờ là lúc nghĩ đến những đứa trẻ với những ngày dài phía trước. Các bạn Trường Trung học phổ thông Quang Trung đang phát động một phong trào ủng hộ để các con trang trải việc học tập sau này,” đây là dòng trạng thái (status) từ một bạn đồng nghiệp của một nạn nhân vụ tai nạn giao thông mới đây tại Hà Nội đã nhận được rất nhiều chia sẻ của báo giới cũng như những bạn bè khác.

Đó cũng là nỗi lòng của cộng đồng gần 11 nghìn cựu học sinh niên khóa 1991-1994 trên địa bàn thành phố Hà Nội những ngày qua.

Mỗi status, mỗi dòng bình luận về cái chết thương tâm, đầy đau xót của hai chị Đinh Thị Hải Yến, Trần Thị Quỳnh trong hầm Kim Liên xảy ra rạng sáng 1/5 đều thấm đẫm nước mắt.

Yến, Quỳnh hay chị lao công Lê Thị Thu Hà chỉ là ba trong số rất nhiều phận đời đã ra đi dưới bánh xe của những kẻ còn nồng “ma men.”

Tai nạn giao thông đã cướp đi cuộc đời của họ, mẹ già, con trẻ chẳng còn biết bấu víu vào đâu.

Gia cảnh của Hải Yến khiến chính những người đồng nghiệp bàng hoàng. Trong nhà Yến hầu như không có đồ đạc gì, tường nhà bong tróc loang lổ, chồng thất nghiệp, con trai thứ hai mắc chứng tự kỷ.

Còn chị Lê Thị Thu Hà, ngày chạy xe ôm Grab, đêm quét rác, có ngày làm việc 22/24 giờ, từ 5h sáng hôm trước đến gần sáng hôm sau, thông hai ca rưỡi để được nhận 660.000 đồng, để có tiền nuôi mẹ già 78 tuổi và hai đứa con nhỏ trong khi chị vừa bị u tuyến giáp, lao phổi, vừa xơ gan. ..

[Đề xuất tước bằng lái xe, tăng mức xử phạt với vi phạm nồng độ cồn]

'Ma men' và phận đời phía sau tay lái: Xót xa những cái chết oan uổng ảnh 2Đức Anh bên thi thể mẹ - chị Lê Thị Thu Hà, lao công tử vong do lái xe say rượu đâm.

Ở phía bên kia, những người gây ra cái chết oan nghiệt ấy không chỉ đối mặt với sự trừng trị thích đáng của pháp luật mà còn chịu sự trừng phạt của “tòa án lương tâm.”

Trong tâm khảm, họ ắt hẳn sẽ luôn bị giày xéo, cắn rứt. Và những người đã “chén chú, chén anh,” chung bữa nhậu, chuốc cốc bia, rượu với họ cũng sẽ tự lục vấn mình, giá như đừng ép bạn uống rượu, bia;...

Trên trang Facebook của mình, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng bày tỏ: “Uống rượu và lái xe, một người tốt đã thành kẻ giết người.”

Ông cho biết đã suy nghĩ rất lâu mới viết lên điều này. Ông biết tài xế gây ra vụ tai nạn giao thông khiến chị Đinh Thị Hải Yến, Trần Thị Quỳnh tử vong. “Tài xế là người tốt, nhưng đã “giết người,” có thể là bị động, có thể do say rượu,” ông Khuất Việt Hùng cho hay.

Ông bày tỏ trong số các vụ tai nạn giao thông xảy ra hằng ngày, đáng tiếc và đau buồn nhất là khi nhận thông tin tai nạn giao thông do tài xế đã uống rượu bia gây ra, bởi những người lái xe hoàn toàn có thể biết và tránh được hậu quả, họ có đủ kiến thức, kinh nghiệm và cả điều kiện kinh tế để thực hiện một điều - là “đã uống rượu bia thì không lái xe,” thế nhưng họ vẫn làm việc đó.

Có những người trước khi uống rượu bia gây tai nạn chết người là những công dân tốt, là cán bộ tốt, là người chồng, người cha, người con tốt, nhưng chỉ vì quyết định sai lầm lái xe sau khi uống rượu khiến họ gây ra thảm họa đau lòng.

Trong một status, bạn tôi đã viết: “Cuộc sống vô thường, không ai biết trước ngày mai của mình là gì. Có thể nay sống, mai chết. Nhưng tôi hận những kẻ say ngồi sau vô lăng. Hận những kẻ ép rượu khiến người khác say mèm, để rồi cướp đi sinh mạng của những người vô tội.

Họ không thể hiểu nổi cảm giác của những đứa con mất mẹ, những người chồng mất vợ, nhất là khi hoàn cảnh của họ quá khó khăn.”

Khi việc uống rượu, bia còn được coi là “văn hóa” của người Việt, khi mỗi bữa cỗ bàn, liên hoan vẫn còn những tiếng “dô, dô,” cạn chén cộng với sự thiếu ý thức khi tham gia giao thông, sau khi uống rượu, bia mà vẫn lái xe thì sẽ vẫn còn đó những vụ tai nạn giao thông đau lòng, những cái chết oan uổng.

Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), cho biết, trong bốn tháng đầu năm 2019 lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý hơn 50.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tăng 45% so với cùng kỳ 2018.

'Ma men' và phận đời phía sau tay lái: Xót xa những cái chết oan uổng ảnh 3Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn với lái xe. (Nguồn: TTXVN)

Những địa phương có kết quả xử lý cao là Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Bến Tre, Cần Thơ, Tây Ninh, Đắk Lắk...

Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 26 vụ tai nạn giao thông liên quan đến người lái xe vi phạm về nồng độ cồn làm chết 22 người, bị thương 47 người, trong đó có những vụ tai nạn giao thông gây hậu quả rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, làm chết nhiều người, khiến dư luận xã hội bức xúc.

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình trật tự an toàn giao thông xuất phát từ việc người điều khiển phương tiện uống rượu bia, sử dụng ma túy, vừa qua, Bộ Công an đã ban hành kế hoạch tuần tra, kiểm soát và xử lý hành vi vi phạm của người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn.

Theo đó, Công an các đơn vị, địa phương sẽ huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, tuần tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm của người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn trên tất cả các tuyến giao thông đường bộ trong cả nước.

Thông qua công tác tuần tra kiểm soát, lực lượng công an sẽ chủ động phát hiện, phòng ngừa ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi vi phạm của người điều khiển xe mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm về nồng độ cồn và các hành vi vi phạm pháp luật khác, góp phần kiềm chế, giảm tai nạn giao thông.

Từ đó đánh giá thực trạng người điều khiển xe sử dụng chất ma túy và chất kích thích khác khi tham gia giao thông hiện nay, phát hiện những tồn tại, bất cập trong quản lý người lái xe, để kiến nghị cơ quan chức năng khắc phục. Đây là nhiệm vụ xuyên suốt trong năm 2019 của lực lượng Cảnh sát giao thông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục