Từ một đội bóng tiêu tiền chuyển nhượng rầm rộ, chỉ sau một mùa giải, đội bóng từng xếp hạng tư mùa trước là Malaga đã lại lâm vào cảnh túng thiếu khi ông chủ người Qatar Abdullah Al-Thani cắt đi nguồn viện trợ. Vào mùa hè năm ngoái, đã có hàng loạt ông lớn phải nhìn Malaga bằng ánh mắt ghen tị khi họ chi tới gần 60 triệu Euro (74 triệu USD) để mang về những bản hợp đồng chất lượng và kết thúc mùa giải ở vị trí thứ tư. Đó là thành tích tốt nhất trong lịch sử Malaga, giúp cho họ có cơ hội lần đầu tiên góp mặt tại Champion League nếu vượt qua được hai lượt trận sơ loại với Panathinaikos, trong đó lượt đi sẽ diễn ra tại sân nhà Rosaleda vào ngày 22/8 tới. Vậy mà trong bối cảnh đó, Malaga lại đang đứng trước tương lai vô cùng bất ổn bởi nguồn tiền tưởng như vô tận năm ngoái giờ đã cạn khô. Những tân binh Malaga đưa về cách đây một nămđều là những cái tên chất lượng, như tiền vệ sáng tạo Santi Cazorla, tiền vệ trung tâm người Pháp Jeremy Toulalan và trung phong kì cựu Ruud Van Nistelrooy. Song tới hè này mọi chuyện lại đi theo hướng ngược lại, khi Malaga đã bán Cazorla cho Arsenal, tiền đạo Jose Salomon cho Rubin Kazan của Nga còn trung vệ Mathijsen đã hồi hương chơi cho Feyenoord. Theo lời giải thích từ ban lãnh đạo Malaga thì sự thay đổi trên bắt nguồn từ luật công bằng tài chính mà UEFA sắp áp dụng: “CLB Malaga đã bắt đầu quá trình tái cơ cấu để tuân thủ đúng luật công bằng tài chính, nhằm đảm bảo cho tương lai lâu dài của đội bóng.” “Công đoạn trên không có nghĩa là những khoản đầu tư từ các ông chủ hiện tại đã bị cắt. Sẽ có những thay đổi về tổ chức nhằm làm câu lạc bộ mạnh mẽ hơn.” Tuy nhiên trong thực tế, ông chủ người Qatar đã dừng đầu tư vào Malaga. Ngoài việc chậm trễ trả lương cầu thủ, đội bóng còn phải bán những ngôi sao lớn để kiếm tiền. Khoản tiền 26 triệu euro có từ việc bán Cazorla, Rondon và Mathijsen sẽ trợ giúp rất nhiều cho câu lạc bộ, song làm người hâm mộ đội bóng vô cùng thất vọng. Khi Al-Thani mua Malaga vào tháng Sáu 2010, các cổ động viên đã tưởng như họ sẽ chẳng bao giờ phải bận tâm về tiền bạc nữa. Tuy nhiên, theo báo giới TBN thì Malaga thậm chí còn chậm trễ trong việc trả phí chuyển nhượng cho các đội bóng khác. Cựu giám đốc điều hành Fernando Hierro, người đã rời CLB từ tháng Năm 2012, được cho là đã nhiều lần phải thương thảo với những câu lạc bộ định kiện Malaga. Một thành viên điều hành Malaga đã chia sẻ với tờ El Pais rằng: “Chúng ta đã là một người khổng lồ với đôi chân bằng cát, vậy nên giờ đây câu lạc bộ buộc phải bán cầu thủ để cân bằng tài chính.” Khi không còn chuyên gia kiến thiết Cazorla, cây ghi bàn Rondon còn Van Nistelrooy đã giải nghệ, Malaga sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu muốn vượt qua Panathinaikos để lọt vào Champion League.
Các cổ động viên Malaga treo những tấm băng rôn than vãn về tình hình tài chính của đội bóng trên khán đài (Nguồn: Getty Images)
Song đó là điều họ buộc phải làm, bởi chỉ cần tham gia vòng bảng giải đấu danh giá nhất châu Âu sẽ đem về cho họ tối thiểu 8,6 triệu USD, một con số rất đáng kể trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên tại Tây Ban Nha, không chỉ có mình Malaga là đang lâm vào nợ nần. Real Madrid và Barcelona luôn tự hào là hai đội bóng lớn mạnh nhất thế giới, song về các khoản nợ, họ có lẽ cũng thuộc hàng top. Doanh số năm ngoái cho thấy Real hiện đang nợ tới 589 triệu euro trong khi con số đó của Barca là 578 triệu, nhiều hơn cả doanh thu hàng năm của hai ông lớn này. Valencia và Atletico Madrid cũng lần lượt nợ tới 382 và 514 triệu euro. Vào tháng Tư, các thống kê cho thấy các đội bóng lớn của Tây Ban Nha đang thiếu sở thuế tới tận 752 triệu euro, một số tiền khó thu hồi được khi đất nước này đang phải cắt giảm triệt để chi phí còn tỉ lệ thất nghiệp lên tới 25%. Nếu như đội tuyển TBN đã có 3 chức vô địch liên tiếp thì tình hình lại không được tươi đẹp đến thế cho các câu lạc bộ nước này nói chung, khi đã có nhiều đội bóng phải đệ đơn xin phá sản, tiêu biểu như Racing Santander cùng nửa tá đội ở giải hạng hai./.
Quốc Thịnh (Vietnam+)