Malaysia loay hoay giảm phụ thuộc lao động ngoại

Nỗ lực của Malaysia tiến tới một nền kinh tế thu nhập cao chắc chắn sẽ bị cản trở nếu tiếp tục phụ thuộc vào lao động nước ngoài.
Trong những năm gần đây, một vấn đề nổi cộm lớn trong nền kinh tế Malaysia chính là việc phụ thuộc quá nhiều vào lao động nước ngoài.

Đây là chủ đề gây nhiều tranh cãi vì dường như tất cả mọi người đều có ý kiến về việc sử dụng lao động ngoại.

Nhiều chủ lao động phàn nàn rằng các hoạt động kinh doanh của họ sẽ bị ngừng trệ nếu như không được phép thuê công nhân nước ngoài, đồng thời thừa nhận thuê lao động địa phương là một điều vô cùng khó khăn đối với họ.

Tuy nhiên, Liên đoàn Lao động và Hiệp hội Công đoàn Malaysia (MTUC) tuyên bố rằng lao động địa phương không thiếu mà chẳng qua các công ty muốn thuê người nước ngoài vào làm việc là do phí nhân công thấp.

Gần đây trên các phương tiện thông đại chúng Malaysia có nhiều bài viết thể hiện rõ sự tức giận ngày càng gia tăng của dân chúng nước này đối với sự có mặt đông đúc của công nhân nước ngoài tại đây.

Câu hỏi giờ đây không phải là liệu Malaysia có cắt giảm lao động nước ngoài hay không mà là cắt giảm như thế nào?

Những nỗ lực của Malaysia tiến tới một nền kinh tế có thu nhập cao, tập trung vào các hoạt động kinh tế dựa trên công nghệ và tri thức chắc chắn sẽ bị cản trở nếu họ tiếp tục phụ thuộc vào nguồn lao động nước ngoài có tay nghề thấp.

Vậy Malaysia phải làm gì để cắt giảm sự phụ thuộc quá mức hiện nay vào lao động ngoại nhập?

Theo các nhà phân tích thị trường lao động Malaysia, trên thực tế, phải thừa nhận rằng lao động nước ngoài đã góp phần thúc đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế.

Trong khu vực sản xuất, công nhân nước ngoài không chỉ giúp giới chủ làm giảm bớt sự khan hiếm lao động mà còn giữ cho giá nhân công tương đối thấp. Điều này khiến các nhà sản xuất duy trì được sự cạnh tranh đối với các nước sản xuất có giá chi phí thấp khác.

Trong thời kỳ suy thoái, họ còn là lực lượng đệm giúp giữ cho tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp.

Ngoài ra, công nhân nước ngoài còn góp phần làm tăng nhu cầu nội địa thông qua việc chi tiêu mua sắm thực phẩm, phí giao thông và các khoản tiêu dùng khác. Tuy nhiên, việc thuê lao động nước ngoài đã có một số tác động bất lợi đối với nền kinh tế.

Công nhân nước ngoài đã làm chậm tốc độ tăng trưởng trong sản xuất, lấn chỗ của công nhân địa phương trong một số ngành công nghiệp, làm cho mặt bằng lương không thể tăng cao, làm giảm sức ép đòi hỏi phải nâng cấp kỹ năng và công nghệ, do vậy đã đe doa sự phát triển nguồn vốn nhân lực và làm trì hoãn việc chuyển đổi kinh tế.

Hậu quả rõ nét nhất là nền kinh tế Malaysia vẫn lẹt đẹt ở mức thu nhập trung bình với các ngành sản xuất vẫn tiếp tục cho ra đời các sản phẩm cần nhiều lao động có tay nghề thấp.

Thêm vào đó, công nhân nước ngoài lại gây ảnh hưởng tiêu cực tới cán cân thanh toán do họ đã gửi một lượng lớn tiền mặt mà họ kiếm được ở Malaysia về nước, đồng thời gây ra các vấn đề xã hội và an ninh cho nước này.

Chính sách phụ thuộc vào lao động nước ngoài để thúc đẩy kinh tế rõ ràng là không phù hợp, bởi vậy, các nhà phân tích thị trường lao động cho rằng Chính phủ Malaysia cần phải cấp bách đề ra kế hoạch cắt giảm sử dụng lao động nước ngoài.

Kế hoạch  này bao gồm một chính sách toàn diện dài hạn nhằm sử dụng các công nghệ thay thế sức người trong các ngành công nghiệp và có hệ thống quản lý lao động nước ngoài một cách hiệu quả.

Nhưng bên cạnh đó, chính phủ cũng cần phải thực hiện chế độ khuyến khích nhằm tạo điều kiện cho các lao động nước ngoài có tay nghề cao vào làm việc lâu dài ở Malaysia. Điều này rất quan trọng bởi số lao động chuyên môn cao này sẽ bổ sung cho lực lượng lao động có tay nghề, hiện còn rất khiêm tốn, ở Malaysia.

Theo các nhà phân tích, một trong những biện pháp hiệu quả thúc đẩy các chủ lao động chuyển đổi sang sản xuất hàng hóa có giá trị cao và cắt giảm phụ thuộc vào lao động nước ngoài để quay sang thuê nhân công địa phương là phải thực hiện chế độ hạn ngạch và ấn định các mức thuế đối với lao động nước ngoài nhằm hạn chế giới chủ nhập khẩu lao động.

Hay nói cách khác, chi phí tuyển dụng lao động nước ngoài phải được nâng cao tới mức mà giới chủ không còn có lãi khi tuyển dụng họ nữa.

Trước mắt, lao động nước ngoài vẫn được công nhận là một lực lượng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, bởi vậy việc cắt giảm lực lượng này phải được tiến hành một cách từ từ nhằm cho phép các chủ lao động có những điều chỉnh cần thiết, nhưng Malaysia cần phải thiết lập được một chế độ minh bạch và hiệu quả để quản lý nguồn lao động đó./.

Thanh Thủy/Kuala Lumpur (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục