Malaysia sửa đổi 3 đạo luật nhằm thúc đẩy tiến trình phê chuẩn RCEP

Theo quy trình phê chuẩn Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Malaysia cần sửa đổi 3 đạo luật về quyền sở hữu trí tuệ, gồm đạo luật Sáng chế, luật Bản quyền và luật Nhãn hiệu.
Malaysia sửa đổi 3 đạo luật nhằm thúc đẩy tiến trình phê chuẩn RCEP ảnh 1Bộ trưởng Cấp cao kiêm Bộ trưởng Công nghiệp và Quốc tế Malaysia Azmin Ali. (Nguồn: theedgemarkets.com)

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, Bộ trưởng Cấp cao kiêm Bộ trưởng Công nghiệp và Quốc tế Malaysia (MITI) Azmin Ali cho biết để thúc đẩy việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hạ viện nước này sẽ thảo luận về các đề xuất sửa đổi 3 đạo luật trong tháng 12 tới.

Phát biểu tại Hạ viện ngày 25/11, Bộ trưởng Azmi Ali cho biết theo quy trình phê chuẩn RCEP, Malaysia cần sửa đổi 3 đạo luật thuộc thẩm quyền của Bộ Nội thương và Người tiêu dùng liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, gồm đạo luật Sáng chế, luật Bản quyền và luật Nhãn hiệu.

Bộ trưởng Azmin Ali khẳng định các bản dự thảo hiện đã được Văn phòng Bộ Tư pháp hoàn thiện và sẽ trình Quốc hội để thảo luận và thông qua vào tháng 12 tới.

[Hiệp định RCEP sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022]

Theo quan chức cao cấp này, sau khi các sửa đổi được thông qua, Malaysia sẽ đệ trình các văn kiện phê chuẩn RCEP lên Ban thư ký ASEAN. Ông nhấn mạnh đây cũng là cam kết của Chính phủ Malaysia về phê chuẩn RCEP vào cuối năm 2021.

Ông Azmin Ali cũng cho biết dựa trên đánh giá của Cục Phát triển Ngoại thương Malaysia (MATRADE), giá trị xuất khẩu của quốc gia Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng 44 tỷ RM (10,5 tỷ USD)/ năm khi RCEP có hiệu lực.

RCEP là hiệp định thương mại tự do được ký kết vào tháng 11/2020 giữa 10 quốc gia thành viên ASEAN là Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam và 5 đối tác của ASEAN gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand và Hàn Quốc.

Malaysia sửa đổi 3 đạo luật nhằm thúc đẩy tiến trình phê chuẩn RCEP ảnh 2RCEP chính thức được ký kết vào ngày 15/11/2020 tại Hội nghị Cấp cao RCEP lần thứ 4. (Ảnh: BTK ASEAN/TTXVN phát)

RCEP sẽ có hiệu lực trong 60 ngày khi có ít nhất 6 nước ASEAN và 3 quốc gia ngoài ASEAN ký phê chuẩn.

Tính đến nay, Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Brunei, Campuchia, Lào, Thái Lan, Việt Nam, New Zealand và Australia đã phê chuẩn hiệp định này. Do vậy, RCEP sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2022 tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục