Mali: Chính phủ và phiến quân ký thỏa thuận đàm phán hòa bình

Ngày 24/7, Chính phủ Mali và các nhóm phiến quân ở miền Bắc do người Tuareg đứng đầu đã ký thỏa thuận về một lộ trình hướng tới hòa bình.
Mali: Chính phủ và phiến quân ký thỏa thuận đàm phán hòa bình ảnh 1Binh sỹ Mali. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 24/7, Chính phủ Mali và các nhóm phiến quân ở miền Bắc do người Tuareg đứng đầu đã ký thỏa thuận về một lộ trình hướng tới hòa bình cuối cùng nhằm chấm dứt cuộc nổi dậy kéo dài hàng thập kỷ qua ở miền Bắc nước này.

Sau một tuần đàm phán tại thủ đô Algiers của Algeria, phái đoàn đàm phán của hai bên đã ký thỏa thuận này, theo đó kêu gọi tổ chức các cuộc đối thoại riêng rẽ trong khoảng thời gian từ ngày 17/8 đến ngày 11/9, trước vòng đàm phán thứ hai diễn ra vào tháng 10 tới để thảo luận về các lĩnh vực như an ninh, hòa giải và nhân đạo. Thỏa thuận hòa bình cuối cùng được quy định sẽ ký kết tại Mali, nhưng chưa được ấn định thời điểm cụ thể.

Phát biểu sau lễ ký kết, Bộ trưởng Ngoại giao-Hội nhập châu Phi và Hợp tác quốc tế của Mali, Abdoulaye Diop đã bày tỏ lạc quan về thỏa thuận hòa bình cuối cùng giữa hai bên. Trong khi đó, đại diện của Hội đồng cấp cao vì sự thống nhất Azawad (HCUA), một trong 6 phong trào vũ trang tham gia đàm phán, đã kêu gọi có sự tham gia của một ủy ban quốc tế tại các vòng đàm phán tiếp theo nhằm thúc đẩy tiến trình hòa đàm.

Cuộc đối thoại tại Algeria được khởi động từ ngày 16/7 với sự tham dự của HCUA, Phong trào Arab Azawad (MAA), Phối hợp dân tộc Azawad (CPA), Tập hợp các phong trào-Mặt trận kháng chiến yêu nước (CM-FPR), Phong trào Giải phóng dân tộc Azawad (MNLA) và Phong trào Arab Azawad đối lập. Đại diện các nước đối tác của Mali và các tổ chức quốc tế cùng tham dự, trong đó có Niger, Burkina Faso, Chad, Mauritani, Liên minh châu Phi (AU), Liên hợp quốc (LHQ), Tổ chức Hội nghị Hồi giáo (OCI).

Mali rơi vào tình trạng hỗn loạn sau cuộc đảo chính quân sự hồi tháng 3/2012, khiến miền Bắc nước này trở thành sào huyệt của nhánh khủng bố al-Qaeda ở Bắc Phi (AQIM) và một số lực lượng Hồi giáo cực đoan. Quân đội Pháp và các nước châu Phi đã phải can thiệp quân sự từ tháng 1/2013. Mali tiến hành bầu cử tổng thống hồi tháng 8/2013 nhằm chấm dứt tình trạng hỗn loạn, song các vụ tấn công của các nhóm phiến quân vẫn thường xuyên xảy ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục