Mali là thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp Việt khai thác

Quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Mali trong những thập niên qua đã tạo dựng nên một nền tảng quan trọng cho sự phát triển các mối quan hệ trong thời gian tới.
Mali là thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp Việt khai thác ảnh 1Đại sứ Việt Nam tại Mali Phạm Quốc Trụ. (Nguồn: TTXVN)

Nhân dịp Đại sứ Việt Nam tại Mali Phạm Quốc Trụ sẽ trình quốc thư của Chủ tịch nước Việt Nam lên Tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keïta vào ngày 23/3, phóng viên TTXVN tại Bắc Phi có cuộc phỏng vấn Đại sứ về sự phát triển mối quan hệ chính trị-ngoại giao và kinh tế giữa Việt Nam và Mali sau 58 thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, từ 30/10/1960 đến nay.

- Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa và những dấu ấn quan trọng trong mối quan hệ ngoại giao Việt Nam-Mali?

Đại sứ Phạm Quốc Trụ: Việt Nam và Mali đã thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 30/10/1960, chỉ một tháng sau khi Mali tuyên bố độc lập. Đây là dấu mốc quan trọng đầu tiên chính thức hóa mối quan hệ giữa hai nước với tư cách là quốc gia độc lập.

Năm 1962, Việt Nam đã mở Đại sứ quán tại Mali. Đây là một trong hai cơ quan đại diện ngoại giao đầu tiên của nước ta đặt tại châu Phi.

Ngày 20/6/1969, Mali công nhận Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Chính phủ Mali lúc đó có đường lối theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa, duy trì quan hệ chặt chẽ với Liên Xô và các nước trong khối xã hội chủ nghĩa. Mali cũng đã tích cực ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam.

Trong những năm 1970-1990, hai nước đã trao đổi một số đoàn quan trọng, đáng chú ý là các chuyến thăm Mali của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ (1978), Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình (1994).

Về phía Mali, Tổng thống Modibo Keita và Thủ tướng Ibrahim Boubacar Keita cũng đã lần lượt đến thăm Việt Nam vào các năm 1964 và 1995. Hai bên cũng đã ký Hiệp định Hợp tác Kinh tế-Thương mại-Văn hóa-Khoa học kỹ thuật và thành lập Ủy ban Hợp tác liên chính phủ vào năm 1994.

Cũng trong những năm đó, Việt Nam đã cử nhiều chuyên gia sang làm việc tại Mali, chủ yếu trong các lĩnh vực nông nghiệp, y tế và giáo dục. Các sự kiện nói trên cho thấy quan hệ giữa Việt Nam và Mali trong những năm qua có thể nói là khá gần gũi và tốt đẹp.

- Xin Đại sứ cho biết triển vọng phát triển quan hệ Việt Nam-Mali trong thời gian tới, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế? Những mục tiêu đề ra trong quan hệ hợp tác kinh tế song phương trong thời gian tới?

Đại sứ Phạm Quốc Trụ: Quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Mali trong những thập niên qua đã tạo dựng nên một nền tảng quan trọng cho sự phát triển các mối quan hệ trong thời gian tới. Trong thời gian qua, do tình tình chính trị-an ninh của Mali bất ổn và khoảng cách quá xa giữa hai nước, nên quan hệ hợp tác song phương còn nhiều hạn chế.

Tuy nhiên, cùng với tình hình chính trị-an ninh tại Mali hiện đang được cải thiện hơn, hai nước sẽ tăng cường trao đổi và hợp tác trên nhiều mặt, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế-thương mại. Một đất nước với gần 20 triệu dân, có nguồn tài nguyên khoáng sản giàu có, nhất là vàng và một số kim loại quan trọng, Mali là một thị trường có nhiều tiềm năng mà các doanh nghiệp Việt Nam đang cần và có thể khai thác.

Ngoài ra, Mali là thị trường cung cấp bông quan trọng cho ngành dệt của Việt Nam.

Số liệu thống kê vài năm gần đây cho thấy trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mali đã liên tục tăng nhanh. Năm 2016, Việt Nam nhập khẩu từ Mali lượng hàng hóa trị giá khoảng 45 triệu USD và xuất sang thị trường này một lượng hàng hóa giá trị gần 5 triệu USD.

Sang năm 2017, xuất khẩu của Việt Nam sang Mali tăng mạnh, chỉ trong các tháng 1-9/2017 đã đạt trên 30 triệu USD, trong khi nhập khẩu đạt trên 42 triệu USD.

Nhân dịp trình quốc thư lên Tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keïta lần này, tôi sẽ kết hợp gặp gỡ và làm việc với một số bộ, ngành, phòng thương mại và các doanh nghiệp tại Mali để thúc đẩy quan hệ nói chung, nhất là quan hệ kinh tế giữa hai nước.

[Mở rộng quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực với các nước Á-Phi]

Đại sứ quán Việt Nam dự kiến sẽ trao đổi với nước bạn để tìm cách đưa Ủy ban hợp tác liên chính phủ Việt Nam-Mali vào hoạt động, thúc đẩy hai bên sớm ký MOU về hợp tác thương mại song phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại giữa hai nước hơn nữa. Chúng tôi cũng tìm hiểu khả năng và cơ hội kinh doanh tại thị trường Mali, bàn với nước bạn tìm cách tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hai bên hợp tác với nhau và đầu tư, kinh doanh tại địa bàn.

- Xin Đại sứ cho biết tổng quan về tình hình cộng đồng người Việt đang sinh sống và làm việc tại Mali?

Đại sứ Phạm Quốc Trụ: Được biết hiện có khoảng hơn 100 người Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại Mali, bên cạnh một số lượng chưa thống kê được người lai Việt Nam-Mali chủ yếu là các thế hệ tiếp sau.

Đa phần người Việt ở Mali làm nghề kinh doanh, chủ yếu là tiểu thương, chủ nhà hàng, lao động làm thuê. Điều kiện kinh tế của đa số bà con nhìn chung cũng còn khó khăn. Các gia đình sống rải rác ở nhiều nơi, khó tập hợp và cũng chưa hình thành được một tổ chức của cộng đồng người Việt ở đây.

Đại sứ quán Việt Nam đóng ở tận Algiers kiêm nhiệm Mali, cách xa hàng nghìn km. Thế nên, trong suốt gần 10 năm qua, Đại sứ quán mới có đoàn công tác đến Mali lần này. Do vậy, việc nắm tình hình cụ thể và tiến hành các hoạt động bảo hộ công dân và hỗ trợ cộng đồng người Việt ở Mali hết sức hạn chế và khó khăn.

Trong đợt công tác ở Mali lần này, tôi sẽ gặp gỡ một số đại diện của cộng đồng và trao đổi với họ về việc tập hợp bà con lập một tổ chức hội đoàn của cộng đồng để hỗ trợ lẫn nhau.

Đại sứ quán cũng đang nghiên cứu, tìm ứng cử viên để kiến nghị với Nhà nước thiết lập Lãnh sự danh dự của Việt Nam tại Mali nhằm giúp Đại sứ quán đảm đương tại chỗ một số công việc về lãnh sự, cộng đồng và quan hệ với sở tại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục