Khẳng định vai trò và đóng góp của Việt Nam trong khu vực

Lần đầu tiên Việt Nam được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh mở rộng G7 - đánh dấu sự ghi nhận đối với vai trò và đóng góp của Việt Nam trong các vấn đề khu vực và quốc tế.
Khẳng định vai trò và đóng góp của Việt Nam trong khu vực ảnh 1Toàn cảnh Hội nghị. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo đặc phái viên TTXVN, nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ngày 27/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh 7 nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng, tổ chức tại tỉnh Mie, Nhật Bản.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam được mời tham dự Hội nghị, đánh dấu sự ghi nhận đối với vai trò và đóng góp của Việt Nam trong các vấn đề khu vực và quốc tế.

Tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng lần này có lãnh đạo các nước G7, các khách mời là lãnh đạo các nước Việt Nam, Indonesia, Lào, Bangladesh, Papua New Guinea, Sri Lanka, Chad, các tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới và khu vực gồm Liên hợp quốc (UN), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tập trung thảo luận các vấn đề gồm cơ sở hạ tầng chất lượng cao; thiên tai, hạn hán; An ninh khu vực; Các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là vấn đề quyền phụ nữ và y tế; và vấn đề hợp tác với châu Phi.

Tại Hội nghị, thảo luận về chủ đề "Ổn định và Thịnh vượng tại châu Á," các đại biểu đã lắng nghe phát biểu của 4 diễn giả đặc biệt là Thủ tướng Lào, Tổng thống Indonesia, Tổng thống Sri Lanka và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.

Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các sáng kiến và nỗ lực của các nước G7 và các tổ chức quốc tế, trong đó đặc biệt là quyết định của Nhật Bản mở rộng lĩnh vực và phạm vi hỗ trợ của sáng kiến Đối tác cơ sở hạ tầng chất lượng cao ở châu Á.

Với quyết định này, sáng kiến Đối tác cơ sở hạ tầng chất lượng cao không chỉ hỗ trợ các nước phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao mà còn bao gồm cả lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên và năng lượng, đồng thời phạm vi hỗ trợ còn mở ra cho các khu vực khác ngoài châu Á.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chia sẻ những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam, đặc biệt là tác động của hạn hán xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long đối với đời sống của người dân, đồng thời làm ảnh hưởng đến an ninh lương thực của Việt Nam, khu vực và thế giới.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Thủ tướng cũng cám ơn các nước G7 và các tổ chức quốc tế, trong đó có ADB đã hỗ trợ Việt Nam trong các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng sông Mekong và thông qua Ủy hội Mekong, quốc tế kêu gọi các đối tác phát triển tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh hỗ trợ Việt Nam và các nước Mekong tăng cường quản lý, bảo vệ nguồn nước và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực và hỗ trợ của Nhật Bản đối với các nước kém phát triển hơn nhằm duy trì tăng trưởng, trong đó có các sáng kiến mới trong các lĩnh vực quan trọng như đảm bảo hòa bình, ổn định và phát triển ở Trung Đông, chăm sóc y tế, bình đẳng giới và nâng cao vai trò của phụ nữ; những chương trình hỗ trợ châu Phi, trong đó, có khuôn khổ Hội nghị cấp cao Tokyo về phát triển châu Phi (TICAD).

Thủ tướng chia sẻ rằng, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng với trách nhiệm và nguồn lực khiêm tốn của mình, Việt Nam cũng đã có nhiều đóng góp cho hòa bình và phát triển của khu vực và thế giới.

Các nỗ lực đó bao gồm tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và đặc biệt là triển khai hiệu quả các chương trình hợp tác song phương Việt Nam-châu Phi và hợp tác ba bên Việt Nam, châu Phi và đối tác tài trợ (Nhật Bản hoặc FAO).

Thủ tướng cũng chia sẻ những quan ngại của các nước G7 và các nước ASEAN về các thách thức đối với hòa bình, ổn định, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông.

Thủ tướng kêu gọi các quốc gia liên quan kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa, sớm tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Chia sẻ các nhận định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo các nước G7, Tổng thống Indonesia, Thủ tướng Lào, Thủ tướng Bangladesh, lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế khách mời kêu gọi tăng cường hợp tác để duy trì tăng trưởng thế giới; ứng phó với thiên tai, hạn hán; hỗ trợ các nước đang phát triển, trong đó có các nước ASEAN xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao, tăng cường kết nối và cuối cùng là tăng cường xây dựng lòng tin nhằm giải quyết các điểm nóng tại khu vực và thế giới, trong đó có an toàn, an ninh hàng hải và hàng không tại Biển Đông và biển Hoa Đông.

Tiếp sau đó, các nhà lãnh đạo thế giới nghe phát biểu của Tổng thống Chad và Thủ tướng Papua New Guinea và thảo luận các vấn đề phát triển bền vững.

Tại phần thảo luận này, các nước đều đánh giá cao các thỏa thuận quốc tế đã đạt được như Chương trình nghị sự 2030 và COP 21, chia sẻ các kinh nghiệm và nhu cầu hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và hoan nghênh các sáng kiến y tế mà Nhật Bản thúc đẩy như chương trình tăng cường ứng phó với tình trạng y tế khẩn cấp, đẩy mạnh bảo hiểm y tế toàn dân, vấn đề kháng kháng sinh cũng như tăng cường vai trò của phụ nữ trong chính trị, kinh tế và xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục