Ngày 17/2, Malta, quốc gia dẫn đầu Liên minh châu Âu (EU) về chương trình tiêm chủng vắcxin ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, cho biết những thành công mà nước này đạt được là nhờ chương trình mua vắcxin chung của khối.
Trao đổi với báo giới, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Malta Chris Fearne cho biết chương trình mua chung vắcxin "chưa từng có tiền lệ" của EU đã giúp ngăn chặn sự cạnh tranh giữa các nước thành viên. Tuy nhiên, EU vẫn phải triển khai thêm nhiều biện pháp để đối phó với các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
[EU: Các hãng sản xuất vắcxin ngừa COVID-19 cần tôn trọng cam kết]
Ông Fearne nêu rõ: "Hãy tưởng tượng tình huống chúng ta không làm điều này cùng nhau: nếu các quốc gia thành viên đi theo con đường riêng của mỗi nước...sẽ dẫn tới một cuộc chạy đua giữa những quốc gia thành viên. Điều này dẫn tới tình trạng các quốc gia thành viên lớn hơn sẽ được tiếp cận vắcxin ngừa COVID-19, trong khi những thành viên nhỏ hơn sẽ bị tụt lại phía sau, thậm chí có thể không tiếp cận được vắcxin."
Tính đến ngày 16/2, Malta đã tiêm chủng ít nhất 1 mũi vắcxin ngừa COVID-19 cho 10% trong tổng số 515.000 dân, với hơn 75% trong số những cư dân trên 16 tuổi hiện đã được chủng ngừa đủ 2 mũi vắcxin của BioNTech/Pfizer hoặc Moderna. Tuần trước, Malta cũng bắt đầu sử dụng vắcxin của AstraZeneca dành cho những người từ 18 đến 55 tuổi.
Tỷ lệ tiêm chủng này đưa Malta vào tốp đầu trong EU. Hai yếu tố chính giúp Malta thành công là nước này đã đặt hàng 2 triệu liều vắcxin đủ để tiêm 2 mũi cho toàn dân, trong khi mạng lưới trung tâm y tế cộng đồng dày đặc giúp đẩy nhanh việc tiêm chủng. Ngoài ra, Malta cũng đặt hàng 3 loại vắcxin tiềm năng của Johnson & Johnson (Mỹ), CureVac (Đức) và Novavax (Mỹ) - dự kiến sẽ sớm được cấp phép tại EU.
Tuy nhiên, ông Fearne cho biết Malta cũng nhận thức sâu sắc rằng chương trình tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 sẽ là một chặng đường dài, đặc biệt khi các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện tại Anh, Brazil, Nam Phi và Nigeria, thậm chí một số biến thể dường như đã làm giảm hiệu quả của vắcxin.
Ông Fearne cũng để ngỏ khả năng Malta sẽ tăng cường các biện pháp chủng ngừa, có thể là thực hiện tiêm chủng hằng năm, nếu khả năng miễn dịch suy yếu.
Trước đó, trong thư gửi Ủy ban châu Âu (EC) hôm 18/1, Ngoại trưởng Fearne đã hối thúc EU đẩy mạnh nghiên cứu về khả năng miễn dịch của các vắcxin ngừa COVID-19 và giải mã gene để phát hiện các biến thể mới. Ông lưu ý virus SARS-CoV-2 vẫn sẽ tiếp tục biến đổi, đồng nghĩa với việc có thể cần đến những loại vắcxin mới hoặc thay đổi các loại vắcxin hiện nay./.