Mạng xã hội Snapchat có thể kiếm tiền từ người dùng không?

Cách đây không lâu, CEO của Snapchat cho biết lượng nhà quảng cáo của công ty đã tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nền tảng mạng xã hội này đã cán mốc 5 triệu “subscriber” vào tháng trước.
Mạng xã hội Snapchat có thể kiếm tiền từ người dùng không? ảnh 1Snapchat đã đạt 5 triệu "subscriber" vào tháng trước. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo CNN, khi Snapchat công bố hồi tháng trước rằng nền tảng mạng xã hội này đã đạt 5 triệu “subscriber” (tạm dịch: người đăng ký) trả phí cho dịch vụ Snapchat+, thành tựu đã gây chú ý.

Cột mốc này đánh dấu nửa chặng đường hướng tới con số 10 triệu subscriber mà chỉ vài tháng trước đó, CEO Evan Spiegel xác định là mục tiêu “trung hạn.”

Thành công của Snapchat+ chỉ sau 15 tháng kể từ khi ra mắt đã chứng minh rằng mặc dù Snapchat được biết đến như một ứng dụng chủ yếu dành cho thanh thiếu niên, người dùng vẫn sẵn sàng chi tiền để có trải nghiệm cao cấp trên nền tảng này.

Với 5 triệu subscriber trả 3,99 USD mỗi tháng, Snapchat+ dự kiến kiếm được mức doanh thu hằng năm khoảng 239 triệu USD.

Lượng subscriber nói trên chỉ là một phần nhỏ trong tổng số người dùng Snapchat - ứng dụng đã âm thầm trở thành một trong những nền tảng xã hội phát triển nhanh nhất thế giới.

Tính đến cuối tháng Sáu vừa qua, mạng xã hội này đã đạt 397 triệu người dùng tích cực hằng ngày - nhiều hơn so với X, nền tảng trước đây có tên là Twitter.

Thách thức của công ty hiện nay là tìm ra cách kiếm tiền thành công từ những người dùng này để xoay chuyển chuỗi kết quả tài chính đáng thất vọng. Dự kiến doanh thu của Snapchat sẽ giảm lần thứ ba liên tiếp khi hãng báo cáo thu nhập cho quý kết thúc vào tháng Chín.

Mặc dù đã phát minh ra một số tính năng truyền thông xã hội quan trọng nhất trong thập kỷ qua như Stories (tạm dịch: Câu chuyện) và Filters (Bộ lọc), Snapchat thường được coi là một ứng dụng chủ yếu dành cho giới trẻ nếu so với các đối thủ như TikTok, Instagram và Facebook.

Dù vậy, tốc độ tăng trưởng người dùng của Snapchat cho thấy ứng dụng này vẫn nằm trong số những nền tảng “thống trị” nhất, ngay cả khi nền tảng này đang đi theo một lộ trình khác với hầu hết các đối thủ cạnh tranh.

Trong khi các nền tảng khác ngày càng thiên về khả năng khám phá và hiển thị cho người dùng những nội dung giải trí từ những người không quen biết, Snap vẫn tập trung vào chiến lược lâu dài của mình là kết nối người dùng với các quan hệ xã hội ngoài đời thực của họ.

“Bạn sẽ có thời gian kết nối tốt hơn với những người bạn quan tâm nhất và chúng tôi muốn đảm bảo rằng những kết nối đó là bền vững” - Jack Brody, Phó Chủ tịch phụ trách sản phẩm của Snapchat, nói với CNN.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng doanh thu của Snap không theo kịp tốc độ tăng trưởng người dùng.

Trong sáu tháng đầu năm nay, doanh thu của Snap giảm hơn 5% so với cùng kỳ năm ngoái và công ty báo lỗ hoạt động ở mức 769 triệu USD. Giá cổ phiếu của Snap đã giảm hơn 11% kể từ thời điểm này năm ngoái.

[Chatbot AI của Snapchat có thể đe dọa quyền riêng tư của trẻ em]

Giống như những nền tảng khác, doanh số bán hàng sụt giảm khi Snapchat nỗ lực cập nhật hoạt động kinh doanh quảng cáo của mình để đối phó với những thay đổi trong chính sách theo dõi ứng dụng của Apple, cũng như việc công ty đổ tiền vào những đổi mới về trí tuệ nhân tạo và thực tế tăng cường.

Snapchat cũng đã phải đối mặt với các vụ kiện từ các bậc cha mẹ cáo buộc ứng dụng này “góp phần” gây ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần cho con cái họ hoặc cho phép lũ trẻ mua ma túy bất hợp pháp, đôi khi gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng sự tăng trưởng người dùng của Snapchat sẽ tiếp tục mang đến cơ hội lớn cho công ty.

Angelo Zino, nhà phân tích cấp cao tại CFRA Research, cho biết: “Tôi cho rằng có những giá trị đáng kể đối với một công ty đang phát triển nền tảng của mình ở mức độ này. Sau cùng, các nhà quảng cáo sẽ muốn tìm đến những nơi mà nhiều người nhìn thấy.”

Vòng tròn xã hội ngoài đời thực

Snapchat đã trở nên phổ biến sau khi ra mắt vào năm 2011 nhờ khả năng gửi những bức ảnh có thể tự biến mất sau khi “đến tay” bạn bè. Hai năm sau, Snapchat ra mắt Stories - nơi người dùng có thể chia sẻ một loạt hình ảnh và video mà bạn bè của họ chỉ có thể xem được trong vòng 24 giờ.

Mạng xã hội Snapchat có thể kiếm tiền từ người dùng không? ảnh 2Biểu tượng của Snapchat và một số mạng xã hội. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Kể từ đó, Snapchat tiếp tục mở rộng và bổ sung các tính năng như Discover (tạm dịch: Khám phá) và Snap Map (Bản đồ Chụp nhanh). Công ty cũng đầu tư vào các dự án thử nghiệm đầy tham vọng như máy bay không người lái chụp ảnh “tự sướng” - dự án đã ngừng hoạt động sau đợt sa thải hàng loạt vào năm ngoái; và kính AR (thực tế tăng cường) - một khoản đầu tư cũng đã được thu hẹp.

Nhưng nhiệm vụ cốt lõi của Snapchat vẫn là cho phép người dùng có nhiều cuộc trò chuyện riêng tư hơn với bạn bè - điều đã thúc đẩy sự bùng nổ liên tục về số lượng người dùng. Cơ sở người dùng của Snapchat đã tăng trưởng hơn 10% mỗi năm trong 16 quý liên tiếp vừa qua.

“Sự tập trung vào các kết nối cá nhân và những nhóm nhỏ thực sự quan trọng và hấp dẫn, đặc biệt đối với người dùng mạng xã hội trẻ tuổi - những người không muốn ‘khoe’ toàn bộ cuộc sống của mình với tất cả mọi người.” - Jess Maddox, Trợ lý Giáo sư tại Đại học Alabama chuyên nghiên cứu các nền tảng truyền thông xã hội và văn hóa đại chúng trên Internet, cho biết.

Mục tiêu vượt qua TikTok

Snapchat cho biết phần lớn cơ sở người dùng hằng ngày của họ khác với các nền tảng khác.

Theo một nghiên cứu trên 10.000 người dùng do Công ty Nghiên cứu Thị trường GWI thay mặt Snap thực hiện trong nửa đầu năm 2023, 43% số người trong độ tuổi từ 16-64 dùng Snapchat không sử dụng TikTok, và hơn một nửa số “Snapchatters” cùng độ tuổi không sử dụng YouTube hằng ngày.

“Snapchat thực sự được tạo ra như một liều thuốc giải độc cho phương tiện truyền thông xã hội truyền thống. Đây là một nền tảng để kết nối với những người bạn thân thiết nhất của bạn, không phải với tất cả những ai bạn từng gặp… và vì vậy, mọi người đến với Snapchat vì một lý do rất khác so với lý do họ chuyển sang các nền tảng khác” - Phó Chủ tịch phụ trách sản phẩm của Snapchat, Jack Brody, cho hay.

Trong một báo cáo tháng Sáu, Công ty Nghiên cứu Thị trường Insider Intelligence ước tính Snapchat sẽ vượt qua TikTok để trở thành nền tảng phát triển nhanh nhất thế giới tính đến cuối năm 2023.

Snapchat có thể kiếm tiền từ người dùng không?

Nhiệm vụ của Snapchat bây giờ, đó là kiếm lợi nhuận đáng kể từ người dùng.

“Lý do lớn nhất [đối với những thách thức tài chính của của hãng] là khi bạn nghĩ về Snap, đó chủ yếu là một nền tảng nhắn tin và việc kiếm tiền từ các nền tảng nhắn tin là cực kỳ khó khăn” - nhà phân tích cấp cao Angelo Zino tại CFRA Research cho hay.

Các hãng công nghệ lớn vận hành nền tảng nhắn tin, bao gồm Meta và Apple, không tính đến những dịch vụ đó để tạo ra doanh thu đáng kể, nếu có.

Hơn nữa, các nhà quảng cáo đang ngày càng tìm cách đầu tư vào những quảng cáo dạng “phản hồi trực tiếp” - nơi người dùng được “nhắc” mua sản phẩm ngay lập tức. Những quảng cáo dạng này có thể được thực hiện dễ dàng hơn nhiều trên các nền tảng như Instagram - nơi người dùng thường xuyên bàn luận về các sản phẩm cụ thể và cũng dễ dàng để liên kết đến trang web của nhà quảng cáo.

Ngược lại, Snapchat có “truyền thống” dựa nhiều hơn vào nhận thức thương hiệu, mặc dù công ty hiện cũng nhận được phần lớn doanh thu từ quảng cáo phản hồi trực tiếp - theo Scott Kessler, người đứng đầu lĩnh vực công nghệ toàn cầu tại Công ty Nghiên cứu Third Bridge.

“Chắc chắn sẽ vẫn còn quảng cáo thương hiệu trực tuyến, nhưng tôi nghĩ có rất nhiều thách thức và sẽ còn nhiều cuộc trao đổi về việc liệu điều này sẽ diễn ra như thế nào trong tương lai. Snap đang ở một vị trí đầy thách thức vì ‘lịch sử’ tập trung vào quảng cáo thương hiệu” - chuyên gia Kessler cho hay.

Snapchat cũng chú trọng nhiều hơn đến quyền riêng tư của người dùng so với nhiều công ty cùng ngành - điều có lợi cho người dùng nhưng lại là thách thức đối với quảng cáo, ông Kessler cho biết thêm.

Mạng xã hội Snapchat có thể kiếm tiền từ người dùng không? ảnh 3CEO Evan Spiegel cho biết Snapchat đang xây dựng lại nhiều phần nền tảng cho quảng cáo. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Công ty Thông tin Thị trường SensorTower, thời gian tương tác trên Snapchat cũng đóng một vai trò nhất định: Snapchat có thời gian sử dụng của người dùng thấp nhất so với các ứng dụng truyền thông xã hội khác, có thể do ứng dụng này tập trung vào nhắn tin thay vì “cuộn nội dung vô tận.”

Dữ liệu của SensorTower cho thấy người dùng Snapchat trong quý 3/2023 chỉ dành trung bình 19 phút mỗi ngày cho ứng dụng này, so với 103 phút mỗi ngày trên TikTok, 60 phút mỗi ngày trên Instagram và 28 phút mỗi ngày trên X.

Tuy nhiên, Snapchat cho biết người dùng của họ đăng nhập vào ứng dụng này thường xuyên - trung bình 40 lần mỗi ngày ở Mỹ, theo Phó Chủ tịch phụ trách sản phẩm Brody.

CEO Evan Spiegel cho biết trong một cuộc họp tháng Bảy của Snap rằng sau cuộc tái cơ cấu cắt giảm 20% nhân viên hồi năm ngoái, công ty đang đầu tư mạnh mẽ để cải thiện hoạt động kinh doanh quảng cáo phản hồi trực tiếp; và số lượng nhà quảng cáo của công ty đã tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Những khoản đầu tư đó sẽ cho phép nền tảng tận dụng tốt hơn cơ sở người dùng của mình - theo Phó Chủ tịch Brody. “Sau cùng, quảng cáo kỹ thuật số được xây dựng dựa trên phạm vi tiếp cận và mức độ tương tác, và chúng tôi đang phát triển đều đặn cả hai.”

“Đây là một năm chuyển tiếp đối với chúng tôi trong việc thực sự xây dựng lại nhiều phần nền tảng cho quảng cáo và chúng tôi đang thấy một số dấu hiệu đầy hứa hẹn. Những cải tiến này sẽ cho phép chúng tôi tận dụng các cơ hội trong tương lai.”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục