Lương là... tình thương

"Mẹ hiền" của 30 con khuyết tật, thiểu năng trí tuệ

Những đứa trẻ khuyết tật, thiểu năng trí tuệ được dạy nghệ thuật như một con đường ngắn nhất cho các em trở lại với cộng đồng...
Trong góc nhỏ của Trường Tiểu học Trung Tự (quận Đống Đa, Hà Nội) là mái ấm của Câu lạc bộ Văn nghệ trẻ em khuyết tật Hà Nội với 30 trẻ em khuyết tật, thiểu năng trí tuệ và bị tự kỷ của cô Phan Thị Phúc. Câu lạc bộ thành lập năm 1987, đến nay đã được 14 năm.

“Mỗi lần đưa chúng đi chơi công viên, phải dùng còi để tập hợp, dùng dây ruy băng dài để chúng nắm vào cho khỏi lạc nhau”, cô Phan Thị Phúc cười kể về đàn con của mình.

14 năm nhận lương bằng... tình thương yêu


Là diễn viên của Nhà hát kịch Tuổi trẻ, cô Phúc đã có rất nhiều chuyến lưu diễn khắp các vùng miền. Nhưng buổi diễn ấn tượng nhất với cô là ở trường Phổ thông Xã Đàn. “Nhìn những ánh mắt ngây thơ với đôi chân cứ cố rướn lên để xem, tôi chợt nhận ra rằng các em dù bị tật nhưng yêu nghệ thuật và tiếp thu nghệ thuật rất nhanh. Dường như nghệ thuật có khả năng đặc biệt trong việc kích thích trí thông minh, sự năng động của những trẻ em thiếu may mắn này. Trong khi đó, chưa có một trường nào chú ý dạy lĩnh vực này cho các em”, cô Phúc chia sẻ.

Sau buổi biểu diễn ấy, những ngày nghỉ, cô diễn viên của Nhà hát Tuổi trẻ lại cần mẫn đạp xe đến các trường khuyết tật trên địa bàn Hà Nội, đưa tiếng hát, tiểu phẩm kịch đến với các em. Những ánh mắt thơ ngây và cả tình yêu nghệ thuật của các em in hằn trong cô. Từ đó, cô ấp ủ ước mơ mở một trung tâm, một câu lạc bộ để dạy nghệ thuật cho các em.

54 tuổi, sắp về hưu, cô hoàn thành Dự án Câu lạc bộ Văn nghệ cho trẻ khuyết tật và được coi là dự án thành công nhất của Tổ chức cứu trợ Mỹ lúc bấy giờ. Năm 1987, dưới sự hỗ trợ của tổ chức này, Câu lạc bộ được thành lập với mục tiêu: Dạy nghệ thuật như một con đường ngắn nhất cho các em trở lại với cộng đồng.

“Các em đều bị thiểu năng trí tuệ nên dạy rất khó. Có khi, một bài hát phải dạy tới cả năm, ngày nào cũng hát đi hát lại bài đó, các em mới nhớ”, cô Phúc chia sẻ. Dù nhiều khó khăn, nhưng dưới sự dìu dắt của cô, Câu lạc bộ đã gặt hái rất nhiều thành tích với nhiều lần giành huy chương vàng, bạc trong hội diễn cho người khuyết tật được tổ chức hàng năm. Năm 2001, 2002, Câu lạc bộ phối hợp với Hội đồng Anh tổ chức triển lãm ảnh do các em chụp. Hai triển lãm này đã gây ấn tượng mạnh với nhiều người.

Gắn bó với Câu lạc bộ và coi đó như gia đình thứ 2, ở đây, tất cả các em đều gọi cô bằng hai tiếng yêu thương: Mẹ Phúc. “14 năm, biết bao thế hệ học trò đã đến và đi. Có em đã lập gia đình, nhiều em tìm được cho mình công việc ổn định”, cô Phúc trầm ngâm nói.

Đôi chân không mỏi

Sau 5 năm gắn bó với các em, năm 2001, cô chợt nhận ra nghệ thuật có thể đưa các em trở lại với cộng đồng, nhưng khi trở lại, các em cần một nghề để sống. Và thế là mẹ Phúc lại ngược xuôi đi “xin” từng cái máy khâu, máy vi tính cũ, nhặt nhạnh từng cái bàn ghế bỏ đi về đóng lại để giúp các em học nghề.

Tìm dụng cụ học tập, cô lại tất tả đi tìm thầy dạy. Thầy Khiêu, thầy Thắng, cô Tá... đã đồng hành cùng cô để chăm lo cho các em.
 
Hiện Câu lạc bộ đã dạy nghề may, điện tử, làm hương, dạy đàn… Rồi chính cô đi tìm việc cho các em. Cô đứng ra chịu trách nhiệm với nơi nhận nếu các em không làm được việc hay làm hỏng việc của họ. Các em trong nhóm làm hương, sản phẩm được bán ở chợ Đắc Di (Đống Đa – Hà Nội) có thêm tiền cho Câu lạc bộ hoạt động.

Câu lạc bộ cũng thường xuyên quyên góp ủng hộ những số phận thiệt thòi, đi hát phục vụ nhu cầu giải trí ở các trung tâm nuôi dậy trẻ em khuuyết tật ở Hưng Yên, Hà Nội, Hà Tây. Năm 2006, lớp may đã ủng hộ 700 bộ quần áo cho đồng bào bị bão lụt trong cơn bão số 6.

Không chỉ quan tâm dạy nghệ thuật, dạy nghề, cô còn lo đời sống cho từng em. Có những em ở tỉnh khác đến, cô thuê nhà cho ở. Đứa thì cô mua xe đạp để có phương tiện đến Câu lạc bộ học nghề… Cô lên xí nghiệp xe buýt xin thẻ đi xe miễn phí cho các em.

Đôi chân người phụ nữ gần 70 tuổi dường như chưa bao giờ biết mệt mỏi vì những đứa con kém may mắn thân yêu của mình.

Với cô, cả cuộc đời chưa lúc nào ngơi nghỉ, bởi lòng cô luôn nặng gánh: Đâu đó vẫn còn có những em tật nguyền chờ cô sưởi ấm, chờ được cô truyền tải nghệ thuật vào tâm hồn mình..../.

Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục