Các bến xe lớn ở thủ đô đã có một buổi chiều nghẹt thở vì lượng khách về Hà Nội sau Tết tăng đột biến. Trong khi đó, hàng ngàn người lên thành phố cũng phải chịu cảnh mệt nhoài vì nhiều tuyến đường cửa ngõ Hà Nội chật cứng người.
Ngay từ đầu giờ chiều nay, dòng xe khách từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Sơn La, Thái Bình,… nối đuôi nhau tiến về các bến xe, khiến nhiều tuyến đường như Giải Phóng, Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng, Ngọc Hồi đông nghẹt phương tiện. Tại khu vực cổng vào của các bến xe Hà Nội, trung bình cứ 3 phút lại có một chuyến xe Thái Bình - Hà Nội, Ninh Bình - Hà Nội, Thanh Hóa - Hà Nội... dồn dập về bến. Ở khu vực bến xe Giáp Bát, từng đoàn xe nối nhau vào bến khiến cả khu vực quanh đó hầu như không còn chỗ lách. Khu vực đỗ xe lại càng trở nên "nóng" hơn bao giờ hết vì từng hàng dài xe đợi nhau vào vị trí. Tại bãi đỗ xe buýt, hành khách đứng đợi xe, xếp hàng thành dãy dài. Mỗi khi có xe đến, hành khách trên xe chưa kịp xuống, người ở dưới đã đùn đẩy để lên. Xe xuất bến chật kín khách. Tình hình cũng không khác nhiều ở bến xe Mỹ Đình. Nhiều xe về bến thậm chí còn "đuổi" khách xuống xe ngay từ đoạn đường cách cổng bến cả trăm mét. Khoảng sân khá rộng rãi của bến Mỹ Đình chiều nay cũng trở nên nhỏ bé một cách đáng thương với lượng khách tăng đột biến. Hàng trăm người cùng xuống xe đã khiến cả khu vực này hầu như không còn chỗ trống. Khu vực phía lề đường Phạm Hùng vào thời điểm cuối giờ chiều nay cũng chật kín người đợt người nhà và xe buýt. Từng hàng dài người từ phía cổng bến bủa ra đường nhanh chóng biến cả khu vực thành điểm nghẽn khá nghiêm trọng. Càng về chiều, lượng xe khách từ các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Phú Thọ… đổ về bến xe Mỹ Đình ngày một đông hơn. Bỏ cả trăm nghìn đồng lên xe khách giường nằm về Hà Nội nhưng cuối cùng chị Dương Thị Phương Nhi, quê ở Lào Cai bảo, cả nhà chị 3 người phải ngồi bó gói tới 3/4 quãng đường. "Xe 45 chỗ nhưng người ta nhồi phải tới 60-70 người. Cả nhà mình phải ngồi ở chỗ đường đi giữa các giường người ta," chị Phương cáu bẳn. Suốt cả quãng đường mấy trăm km ấy, chị Phương bảo, người lớn như vợ chồng chị cũng tê cứng cả người vì chen chúc. Khổ nhất là đứa bé mới được 1 tuổi rưỡi nhà chị cứ khóc suốt chuyến đi vì đồng người, ngột ngạt. "Cả nhà định lên Hà Nội sớm nhưng lại muốn cháu nội ở nhà chơi với ông bà thêm vài hôm nên lại thôi. Chỉ lo thằng nhỏ về bị ốm," chị Phương than. Không chỉ những hành khách tuyến Lào Cai phải chịu cảnh hành xác, hàng trăm người trong buổi chiều mùng 8 âm lịch cũng ở cảnh tương tự. Lỉnh kỉnh đồ đạc, chị Nguyễn Hương Giang mặt tái mét sau chuyến đi gần hai trăm cây số từ Thanh Hoá lên Hà Nội. Chị Giang kể, không những bị nhồi nhét, tiền về từ Thanh Hoá lên Hà Nội vốn thường ngày chỉ 80.000-90.000 đồng thì chiều nay bỗng nhảy vọt lên 130.000 đồng. "Nếu không chấp nhận thì không biết phải đợi xe tới bao giờ," chị Giang nói. Chị bảo, hai chị em đã đợi xe ở bến Thanh Hoá từ quá trưa. Lúc đầu, cả hai còn kén chọn đợi xe nào vắng người mới lên. Thế rồi, phải tới cả tiếng đồng hồ, mười mấy lượt xe về Hà Nội đều trong tình trạng nghẽn người. Thậm chí, tình hình càng ngày càng trở nên căng thẳng hơn. Bắt tạm một xe khách lên Hà Nội, hai chị em Giang vẫn chưa hết hoảng vì tần suất bắt khách của nhà xe nọ. Chiếc xe khách 45 chỗ chẳng cần đi lòng vòng bắt khách như mọi khi, chỉ quãng đường từ bến xe ra quốc lộ đã có tới cả chục khách vẫy đòi lên xe. "Ngồi được một lúc thì người ta nhồi thêm cả chục ghế nhựa vào. Mình lên sớm thành ra vẫn phải ngồi co ro. Đã thế, lại còn lo trộm cắp," cô gái quê Thanh Hoá chán nản. Dòng người đổ lên Hà Nội dồn dập như thế đã khiến nhiều bến xe lớn nhanh chóng rơi vào cảnh nghẽn người cuối giờ chiều hôm nay. Theo Ban quản lý Bến xe Mỹ Đình, sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán thay vì tập trung vào một ngày nghỉ cuối thì năm nay, người dân trở về Hà Nội rải rác từ mùng 5, 6 và mùng 7. Nhưng đông nhất vẫn là mùng 8, lượng khách đổ lên thủ đô sau kỳ nghỉ tết đông hơn ngày thường khoảng 40%. Cùng chung quan điểm đó, ông Nguyễn Như Trúc, Giám đốc bến xe Gia Lâm cho rằng, hành khách đổ về Hà Nội sẽ dải đều ra từ mùng 6 đến mùng 8. Vì thế, so với ngày thường, lượng khách đi trên các xe về bến chỉ “nhỉnh” hơn chút ít. “Cao điểm nhất của toàn đợt người dân ‘ùn ùn’ về thủ đô về bến Gia Lâm là vào sáng nay với lượng khách tăng tới 30% so với thường nhật, “ ông Trúc cho biết. Theo Trung tá Nguyễn Hồng Thái, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 14, thực hiện kế hoạch của thành phố, Phòng Cảnh sát giao thông, ngay những ngày sau Tết, Đội Cảnh sát giao thông số 14 đã bố trí lực lượng đảm bảo trật tự an toàn giao thông. “Đội số 14 đã dự báo trước được trong hai ngày 7, 8 người dân ngoại tỉnh trở về Thủ đô nên đã phân công, bố trí lực lượng từ Quốc lộ 1B dọc đường Giải Phóng – Pháp Vân để phân làn, hướng dẫn phương tiện nhằm không để xảy ra ùn tắc giao thông,” Trung tá Thái khẳng định. Bên cạnh đó, Trung tá Thái cho biết, lực lượng Cảnh sát giao thông Đội số 14 cũng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý những xe khách vi phạm về chở quá số người so với quy định, đi sai làn đường, uống rượu bia điểu khiển phương tiện…/.
Ông Lý Trường Sơn, Trưởng phòng Kế hoạch Công ty Quản lý Bến xe Hà Nội cho biết, chỉ trong ngày hôm nay (17/2 tức mùng 8 Tết), tổng số xe đổ về 3 bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm là gần 3.000 lượt xe với gần 50.000 lượt hành khách. Theo số liệu thống kê của Công ty Quản lý Bến xe Hà Nội, tính chung từ ngày mùng 1 đến 8 Tết Âm lịch (tức ngày 10 – 17/2/2013), 3 bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm đã thực hiện được gần 14.000 lượt xe xuất và về bến với tổng lượng hành khách lên tới hơn 211 nghìn người. Từ 31/1 đến ngày 17/2 (tức 20/12/2012 đến ngày 8/1/2013 Âm lịch), tổng số xe phục vụ cho toàn bộ dịp Tết là 44.028 lượt xe tương ứng với 817.122 lượt hành khách. |
Võ Hùng Dũng (Vietnam+)