Mía được mùa, được giá nhưng nông dân vẫn buồn

Dù nhà máy đường thu mua mía với giá 800.000 đồng/tấn, cao hơn cam kết 250.000 đồng, nhưng người dân trồng mía vẫn phải chịu thiệt.
Sau vụ mía năm 2009 thất bại do mưa lũ, năm 2010 ngay từ đầu vụ, người trồng mía ở Kon Tum khấp khởi khi nhà máy đường mua với giá 800.000 đồng/tấn, cao hơn cam kết 250.000 đồng.

Bên cạnh đó năng suất mía của năm nay cũng tăng hơn nhiều. Tất cả những tín hiệu ấy báo hiệu một vụ mía bội thu nhưng…

Nông dân thiệt đơn, thiệt kép

Mấy ngày qua, trước cổng Công ty cổ phần đường Kon Tum, có gần trăm chiếc xe chở mía đứng xếp hàng dài để chờ được cân mía. Trong nhà máy, trước trạm cân, hàng chục xe nối đuôi nhau đợi, ngoài cổng, xe mía dựng kín cả khu vực trước nhà máy để đợi cân mía. Tuy nhiên một ngày, hai ngày đêm nhưng nhiều xe vẫn chưa tới lượt. Vì đợi quá lâu, nhiều lái xe phải mắc võng ngũ qua đêm tại đây.

“Nhà máy làm như vậy người trồng mía như tôi không thể hài lòng. Lịch đốn mía, nhà máy đã công bố, quy hoạch cả vùng, chúng tôi phải theo lịch mà làm nhưng khi mía về đến đây thì bị ùn tắc. Mỗi xe nằm chờ như vậy chúng tôi mất cả tấn mía khô,” anh H.V.V (thôn 7, xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum) than thở.

Cũng theo anh V thì e phải đợi cân nhiều hơn mọi năm nên mía chặt phải bỏ ở ruộng. “Sau hai lần nằm đợi ở bãi (chân ruộng và nhà máy) thì năng suất còn giảm biết bao nhiêu mà kể. Năng suất giảm nhưng trữ đường trong mía thì có mất đâu."

Không chỉ thiệt về năng suất, mỗi ngày anh phải mất 700.000 đồng để nuôi ăn hai tốp thợ với 26 nhân công. “Họ là lao động ở xa, mình không thể bỏ đói. Nếu bỏ thì lấy nhân công đâu mà làm. Mình đã thuê làm trọn gói,” anh V nói thêm.

“Đã hai ngày đêm rồi nhưng vẫn chưa tới lượt. Ngày trước chỉ một ngày một đêm là tới, nay phải chờ dài cổ. Vì đợi quá lâu mà mỗi xe mất từ 1,5-2 tấn mía vì mía bị khô. Mà dân mất thì nhà xe tôi cũng mất theo vì tôi tính công chở theo tấn, bình quân khoảng 85.000 đồng/tấn. Ngoài ra, vì phải đợi nên tôi cũng chạy được ít chuyến hơn so với trước. Nhưng cái thiệt của tôi ít hơn chủ mía nhiều,” anh V.T.T, chủ xe từ Gia Lai cho biết.

Năm nay, mặc dù nhà máy thu mua mía giá cao hơn 250.000 đồng/tấn so với cam kết, tuy nhiên so với các vùng nguyên liệu ở các tỉnh khác như Bình Định hay Gia Lai thì giá thu mua trên cũng chẳng thấm vào đâu.

Theo tìm hiểu thì tại Bình Định và Gia Lai, mức giá cao trên một triệu đồng/tấn, kể cả giá vận chuyển (trong khi tại Kon Tum chưa tới 900.000 đồng/tấn, cả cước). “Chúng tôi biết là vậy, nhiều diện tích mía do tôi tự đầu tư cũng muốn bán xuống Gia Lai lắm nhưng làm sao được. Tôi biết chắc chắn mía sẽ không thể ra khỏi địa bàn được,” anh V cho biết thêm.

Lỗi do… cây mía

Trước sự ì ạch trong công tác thu mua, ông Lê Quang Trưởng-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đường Kon Tum, cho biết năm nay do mía năng suất quá tốt trong khi công suất ép của nhà máy thì nhỏ (1.500 tấn/ngày) nên mới xảy ra tình trạng ứ đọng như trên.

Tuy nhiên theo tìm hiểu của phóng viên thì năng suất tăng đột biến trên thực chất chỉ khoảng 10.000 tấn/120.000 tấn của vùng nguyên liệu ở hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai (chủ yếu ở huyện Chưpăh) - tương đương với khoảng 6-7 ngày ép mía, trong khi vụ ép này sẽ kéo dài cho đến qua Tết Nguyên đán mới hết.

Bên cạnh đó, theo ông Trưởng thì cũng vì năng suất mía cao nên chủ mía nhận hợp đồng với nhiều xe cũng góp phần làm cho sự ứ đọng trên. Các niên vụ trước, nhà máy ký hợp đồng với chủ xe nhưng sự phối hợp giữa nhà máy khi điều xe với chủ mía không nhịp nhàng khiến mía khô ngoài đồng. Năm nay rút kinh nghiệm, nhà máy chủ động để chủ mía tự ký hợp đồng với nhà xe. Theo đó, nhà máy chỉ đồng ý từ 5ha trở lên chủ mía mới được ký hợp đồng một xe, 8-10ha/2 xe.

Một số hộ ít diện tích, buộc phải liên kết để được đăng ký xe với nhà máy. Có thể thấy, mặc dù chuyển sự chủ động về điều xe cho dân nhưng thực chất việc này vẫn còn trong tầm kiểm soát và nhà máy vẫn dự liệu được lượng xe tham gia vận chuyển.

Việc nhà máy không cân cho mía vào bãi theo giải trình của ông Trưởng thì nhà máy vẫn có bãi để mía nhưng như vậy sẽ ảnh hưởng đến chất lượng mía vì vậy ông cũng khuyến cáo thì người dân không nên để mía ở bãi nên vụ mía này không có bãi mía nào. Tuy nhiên, thực tế hiện tại ít nhất vẫn có ít nhất 1 bãi mía vẫn tồn tại trong suốt những ngày qua. Bãi mía ấy ở trước cổng nhà máy với cả trăm xe tải.

Theo người dân thì nhà máy không cho mía nhập bãi vì sợ tốn thêm tiền nhân công bốc vác, mất sản lượng nên thà để một bãi tồn tại bên ngoài nhà máy, nếu thiệt chỉ có dân bị, nhà máy vô can.

Bên cạnh đó, những ngày qua, những chuyến xe tải chở mía quá khổ, quá tải vẫn ngang nhiên lưu hành trên đường nhưng không có đơn vị chức năng nào kiểm tra, xử lý. Bình quân mỗi xe mía chở gấp 2-3 lần trọng tải so với quy định. Con đường nhựa dẫn vào nhà máy gần như đã bị băm nát từ nhiều năm qua vì những chuyến xe chở mía quá tải, quá khổ trên “100% xe chở mía đều quá tải,” một tài xế khẳng định.

Nhưng cũng theo anh thì nếu không chở quá khổ thì tiền đâu để bù chi phí. Để được vận chuyển, tránh bị soi phạt tất cả đều phải làm “luật." Chưa kể, việc thời gian xe phải đợi cân gấp đôi so với mọi năm khiến chủ xe cũng thất thu.

Mặc dù vậy, Cảnh sát giao thông tỉnh Kon Tum vẫn chưa phát hiện và xử lý một xe mía nào vì chở quá khổ, quá tải./.

Hoàng Cao Nguyên (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục