Việt Nam và Brunei thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1992 và hai nước đã nâng cấp lên quan hệ đối tác toàn diện nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Quốc vương Brunei Darussalam tới Việt Nam vào tháng 3/2019.
Tuy nhiên, do đặc tính của Brunei là thị trường nhỏ nên đến thời điểm này, kim ngạch trao đổi thương mại song phương giữa Việt Nam và Brunei còn tương đối khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng.
Vì vậy, chuyến thăm chính thức Brunei Darussalam của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao thể hiện sự coi trọng cũng như mong muốn mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa hai nước nhằm tiếp tục đưa các mối quan hệ song phương đi vào chiều sâu.
Mắt xích quan trọng
Bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết Việt Nam đã và đang trở thành một mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế hàng đầu khu vực.
Với 16 hiệp định thương mại tự do (FTA); trong đó, có một số FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn điện Khu vực (RCEP).
Đây là cơ sở quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam sang các thị trường trong khu vực nói chung và Brunei nói riêng.
[Việt Nam và Brunei thúc đẩy mối quan hệ Đối tác toàn diện]
Theo bà Lê Hoàng Oanh, Brunei là quốc gia hồi giáo nên các sản phẩm nông thủy sản, thực phẩm chế biến đều phải tuân thủ theo các quy định Halal.
Hơn nữa, Brunei là thị trường tiềm năng cho các sản phẩm tiêu dùng, nông sản và thực phẩm của Việt Nam bởi Brunei không tự sản xuất được các sản phẩm trong nước.
Trong khi đó, Việt Nam có lợi thế về sản phẩm càphê, gạo, sản phẩm chế biến, thủy hải sản, gia vị, đậu hạt, rau củ quả... có khả năng để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng thực phẩm Halal tại khu vực Đông Nam Á nói chung và Brunei nói riêng.
Thống kê cho thấy năm 2022, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Brunei đạt 725,7 triệu USD, tăng 147,6%; trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Brunei với kim ngạch đạt 92,3 triệu USD, tăng 163,8% so với năm 2021.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Brunei với kim ngạch đạt 633,5 triệu USD, tăng 145,4% so với năm 2021. Việt Nam nhập siêu từ Brunei đạt 541,2 triệu USD, tăng 142,5% so với năm 2021.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Brunei bao gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 2,2 triệu USD, tăng 230,7%; hàng thuỷ sản đạt 1,9 triệu USD, tăng gần 15%.
Ngoài ra, nhập khẩu của Việt Nam từ Brunei đạt 633,5 triệu USD, tăng 145,4% so với năm 2021. Đáng lưu ý, mặt hàng nhập khẩu chính từ Brunei là hóa chất đạt 25,5 triệu USD, giảm 6,6%.
Theo nhận định của các chuyên gia thương mại, tính đến tháng 12/2022, Brunei đứng thứ 26/141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 157 dự án có hiệu lực, tổng số vốn đăng ký 971 triệu USD.
Cụ thể, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng và kinh doanh bất động sản. Theo địa bàn đầu tư, dẫn đầu là tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Thái Bình, Phú Thọ.
Đặc biệt, Việt Nam và Brunei hợp tác tốt trong lĩnh vực dầu khí. Trong lĩnh vực khoan, PV Drilling đã chính thức thành lập Chi nhánh tại Brunei tạo điều kiện cho việc triển khai hợp đồng đã ký, cũng như đẩy mạnh phát triển thị trường tại nước sở tại.
Ngoài ra, hai bên đã ký Bản ghi nhớ (MOU) giữa hai Chính phủ về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản (5/2013) và tiến hành dự án thí điểm trồng lúa nước tại Brunei Darussalam nhằm hỗ trợ Brunei đảm bảo an ninh lương thực (từ tháng 9-12/2013).
Đặc biệt, Việt Nam và Brunei cũng đã tổ chức cuộc họp Nhóm Công tác chung trong lĩnh vực thủy sản thường niên luân phiên giữa hai nước tại Brunei năm 2014, Thành phố Hồ Chí Minh năm 2015 và Brunei năm 2017.
Thương vụ Việt Nam tại Brunei cho hay mặc dù khác nhau về diện tích, dân số, văn hóa nhưng Việt Nam và Brunei có quan điểm tương đồng trong các vấn đề quốc tế và khu vực. Đây là tiền đề thuận lợi để đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa hai nước. Cùng với đó, hai nước đều là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Hơn nữa, Việt Nam và Brunei cũng đã tham gia tích cực, chủ động, có nhiều đóng góp quan trọng trên tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN cũng như trong việc xác định tương lai phát triển, phương hướng hợp tác và các quyết sách lớn của ASEAN.
Điều này góp phần tăng cường đoàn kết, nâng cao vai trò, vị thế của ASEAN trong khu vực và trên trường quốc tế.
Chủ động tiếp cận
Tại cuộc tiếp xúc giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên với Bộ trưởng Bộ Công Thương Singapore Gan Kim Yong và Bộ trưởng thứ hai của Bộ Tài chính và Kinh tế Brunei Dato Amin Liew bên lề Hội nghị Bộ trưởng Khuôn khổ Đối tác Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) tại Los Angeles, Hoa Kỳ, các Bộ trưởng đã tập trung thảo luận về sáng kiến tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sạch.
Đây là sáng kiến do 3 nước cùng đề xuất, nhằm mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi năng lượng hướng tới nền kinh tế carbon thấp trong khu vực, đẩy mạnh an ninh năng lượng, cũng như triển khai các hoạt động hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực, nghiên cứu và phát triển.
Các hoạt động chính của sáng kiến bao gồm đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo; xây dựng hệ thống kết nối lưới điện giữa các nước trong khu vực và phát triển mạng lưới các trung tâm nghiên cứu về năng lượng.
Đặc biệt, các Bộ trưởng nhất trí thúc đẩy định hình và hoàn thiện sáng kiến này để có thể khởi động vào khoảng đầu năm 2023.
Theo các chuyên gia thương mại, hai nước kỳ vọng tới đây Việt Nam và Brunei sẽ đồng nhất nhiều chính sách trong việc tạo điều kiện nhiều hơn cho doanh nghiệp hai nước gặp gỡ, trao đổi cơ hội hợp tác.
Điều này nhằm đa dạng hóa nguồn cung và sản phẩm xuất nhập khẩu của hai nước. Mặt khác, hỗ trợ doanh nghiệp hai bên liên kết, liên doanh để cùng tham gia vào chuỗi cung ứng hàng hóa, thực phẩm Halal toàn cầu.
Thời gian tới, Việt Nam và Brunei sẽ thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp hai nước trong các lĩnh vực có tiềm năng.
Cụ thể như nông lâm thủy sản, thực phẩm Hồi giáo Halal, xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng; thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các liên doanh, hợp tác với doanh nghiệp Brunei.
Nhằm khắc phục những khó khăn và nắm bắt cơ hội trong giao thương giữa Việt Nam và Brunei, bà Lê Hoàng Oanh cho rằng doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động, tích cực tiếp cận thị trường Brunei và đối tác.
Cụ thể trong việc tham gia sâu vào các chuỗi sản xuất, cung ứng khu vực và toàn cầu thông qua nhiều sáng kiến, hoạt động trong lĩnh vực Halal như các diễn đàn, hội chợ về Halal tại Brunei.
Hơn nữa, để tăng cường xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào Brunei, doanh nghiệp cần bắt đầu bằng việc xây dựng và triển khai chiến lược kinh doanh hiệu quả.
Việc này dựa trên việc phân tích, đánh giá đúng những điểm mạnh, điểm yếu cũng như cơ hội và thách thức, vị thế của doanh nghiệp hiện tại với đích cần đạt tới.
Đối với doanh nghiệp xuất khẩu, việc thực hiện một chiến lược marketing xuất khẩu sang thị trường Brunei là điều kiện tiên quyết để xuất khẩu bền vững. Qua đó, góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại hai nước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới./.