Mở thêm cánh cửa vào đời cho trẻ khuyết tật

Trong những năm qua, Dự án giáo dục tiểu học cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn đã tạo thêm cơ hội cho trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng.
Trong những năm qua, Dự án giáo dục tiểu học cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn (PEDC) đã tạo thêm cơ hội cho trẻ khuyết tật có thể hòa nhập cộng đồng, phát triển những khả năng tiềm ẩn của các em.

Theo Trưởng phòng tiểu học-mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk, Phạm Văn Nhăm, hiện nay, tỉnh có 130 học sinh khuyết tật nặng. Ban đầu, việc giáo dục hòa nhập ban đầu cho các em rất khó khăn nhưng khi được PEDC hỗ trợ đào tạo giáo viên phương pháp giảng dạy phù hợp với từng loại khuyết tật, xây dựng các bài giảng chuyên biệt, chia sẻ kinh nghiệm về chuẩn bị tinh thần cho giáo viên và học sinh của trường thực hiện giáo dục hòa nhập thì chất lượng giáo dục cho học sinh được cải thiện rất nhiều.

Đầu năm 2009, đoàn đánh giá của Ngân hàng Thế giới, các nhà tài trợ Australia, Canada, Nauy, Vương quốc Anh đã đánh giá cao thành phần giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật mà dự án PEDC đã thực hiện trong những năm qua. Việc triển khai thành công giáo dục hòa nhập đã thay đổi cuộc sống của rất nhiều trẻ, nhiều em khuyết tật nhẹ đã có thể theo học các bậc học cao hơn, thậm chí theo học các trường nghệ thuật.

Nhận xét về lợi ích của việc giáo dục hòa nhập, Sở Giáo dục và Đào tạo của các địa phương trong vùng dự án cho rằng giáo dục hòa nhập không chỉ tạo thêm cơ hội cho học sinh khuyết tật mà còn là cơ hội giáo dục tốt cho cả học sinh bình thường.

Ông Lê Ngộ, Trưởng phòng giáo dục tiểu học Thừa Thiên-Huế cho biết, khi học hòa nhập, chơi với các bạn có hoàn cảnh đặc biệt và được giáo viên chỉ dạy đúng cách, bản thân các em sẽ học được cách chia sẻ, cách thông cảm với các bạn khuyết tật và còn có thể giúp đỡ các bạn trong học tập cũng như cuộc sống. Như vậy, học hòa nhập chính là một cách để “giáo dục công dân” một cách sinh động, thực tế nhất.

Dự kiến, trong năm 2009, dự án PEDC sẽ hoàn thành tập huấn “kỹ năng đặc thù dạy học cho trẻ trong giáo dục hòa nhập” cho 36.870 người; tập huấn cho 159 giáo viên ở 3 huyện trong vùng dự án “sáng kiến về các dịch vụ giáo dục hòa nhập mẫu”.

Dự án PEDC sẽ triển khai một số hình thức hoạt động như tổ chức lớp ghép, lớp học linh hoạt về thời gian, địa điểm với các đối tượng trẻ có hoàn cảnh khó khăn khác nhau; nghiên cứu phát triển thêm tài liệu ký hiệu ngôn ngữ dành cho người khiếm thính, khiếm thị.

Hiện nay, trong số gần 1,2 triệu trẻ khuyết tật trong cả nước có tới 46,7% chưa học xong tiểu học. Năm học 2006-2007, mới chỉ có khoảng 26% trẻ khuyết tật được đến trường, tập trung chủ yếu ở tiểu học.

Nguyên nhân của sự thiệt thòi này là do trẻ khuyết tật đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Nhiều trẻ không được tới trường do cha mẹ không muốn con cái bị kỳ thị. Các trẻ khuyết tật theo học các trường chuyên biệt cũng ít có cơ hội tiếp xúc với xã hội, với các bạn đồng trang lứa nên gặp nhiều khó khăn khi giao tiếp bình thường./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục