Mở thị trường lao động du lịch trong cộng đồng ASEAN

Để thúc đẩy sự hình thành của AEC, các quốc gia thành viên ASEAN chú trọng tự do hóa ba lĩnh vực lớn gồm: thương mại hàng hóa; thương mại dịch vụ; đầu tư, tài chính và lao động.
Mở thị trường lao động du lịch trong cộng đồng ASEAN ảnh 1Khách du lịch quốc tế tham quan thành phố Huế trên phương tiện xích lô. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Ngày 25/11, Tổng Cục Du lịch Việt Nam tổ chức họp báo về tình hình triển khai thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về lao động du lịch trong ASEAN (MRA-TP) hướng tới hình thành cộng đồng kinh doanh ASEAN.

Theo lộ trình, cuối năm nay, Việt Nam sẽ chính thức gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Bên cạnh các trụ cột khác tạo nên Cộng đồng ASEAN là Cộng đồng an ninh-chính trị và Cộng đồng văn hóa-xã hội, AEC được coi là quan trọng nhất.

Sự phát triển của AEC sẽ là tiền đề thúc đẩy việc thực hiện hai trụ cột còn lại. Hội nhập AEC sẽ là một bước ngoặt đánh dấu sự hội nhập khu vực một cách toàn diện của các nền kinh tế Đông Nam Á, tạo ra một thị trường chung, giàu tiềm năng với hơn 600 triệu dân và tổng GDP hơn 2.000 tỷ USD.

Để thúc đẩy sự hình thành của AEC, các quốc gia thành viên ASEAN chú trọng tự do hóa ba lĩnh vực lớn gồm: thương mại hàng hóa; thương mại dịch vụ; đầu tư, tài chính và lao động.

Để tạo điều kiện cho lao động lành nghề di chuyển trong khu vực, từ đó thúc đẩy hoạt động đầu tư và thương mại, các nước ASEAN đã ký kết 8 Thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRAs - Mutual Recognition Agreement), theo đó cho phép chứng chỉ của lao động lành nghề được cấp bởi các cơ quan chức năng tương ứng tại một quốc gia sẽ được thừa nhận bởi các nước thành viên khác trong khu vực. Trong lĩnh vực du lịch là Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về lao động du lịch (MRA-TP).

Nhìn nhận khách quan về lực lượng lao động lĩnh vực du lịch, ông Trần Phú Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế thuộc Tổng Cục Du lịch Việt Nam cho biết lao động Việt Nam ngoài những ưu điểm là nguồn lao động dồi dào, chăm chỉ, thông minh nhưng hạn chế bởi tính kỷ luật thấp, năng suất lao động thấp so với một số nước khu vực. Mặc dù kỹ năng nghề có thể đáp ứng nhu cầu khu vực nhưng vẫn còn yếu về khả năng ngoại ngữ, kỹ năng mềm và tính sáng tạo.

Phát biểu tại họp báo, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Việt Nam nhấn mạnh phát triển nguồn nhân lực du lịch thông qua việc MRA-TP là một trong những vấn đề quan trọng nhất để hội nhập du lịch nói riêng và AEC nói chung bởi yếu tố con người là thành phần quan trọng cấu thành nên sản phẩm du lịch cũng như có vai trò quyết định trong việc phát triển một cộng đồng.

Để tranh thủ được lợi ích từ MRA-TP và quá trình hội nhập du lịch trong ASEAN đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chủ động của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch các cấp, các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo về du lịch và người lao động thông qua việc tăng cường các hoạt động quản lý phát triển nguồn nhân lực, tổ chức đào tạo, tự đào tạo, củng cố nội lực, tăng tính cạnh tranh của các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo du lịch; đồng thời có các chính sách thu hút và giữ chân nhân tài trong một môi trường cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ của khu vực ASEAN.

Hiện tại, Việt Nam đã thực hiện đầy đủ các trách nhiệm thành viên như việc Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký Công hàm gửi Tổng Thư ký ASEAN thông báo việc giao cho Hội đồng cấp chứng chỉ nghề Du lịch (VTCB) thực hiện chức năng của 2 tổ chức Hội đồng ngành du lịch và Hội đồng thẩm định và cấp chứng chỉ nghề du lịch như yêu cầu của MRA-TP cũng như thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ký Hiệp định thành lập Ban Thư ký khu vực để triển khai MRA-TP. /.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục