Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 200.000 người mắc đột quỵ mới

Trước kia đột quỵ thường chủ yếu xuất hiện ở người già, người cao tuổi do thiếu máu não, chảy máu não nhưng thời gian gần đây số người đột quỵ ngày càng gia tăng và trẻ hóa.
Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 200.000 người mắc đột quỵ mới ảnh 1Phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau khi bị đột quỵ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phó giáo sư Nguyễn Trọng Lưu - Phó Chủ tịch hội phục hồi chức năng Việt Nam, Nguyên Chủ nhiệm khoa phục hồi chức năng bệnh viện 108 cho biết mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 200.000 người đột quỵ mới, xếp thứ hai trong các nguyên nhân gây tử vong.

Đột quỵ não xảy ra do hai nguyên nhân chính: Một là bị vỡ mạch máu não, hay gặp nhất là do tăng huyết áp kịch phát, thứ hai là do cục máu hoặc cục xơ vữa động mạch ở nơi khác di chuyển theo dòng máu, khi gặp động mạch có kích thước bé sẽ bị chặn lại, làm tắc mạch máu gây thiếu máu não gây nhồi máu não.

[Ngủ trưa có thể là nguyên nhân gây bệnh cao huyết áp và đột quỵ]

Theo ông, trước kia đột quỵ thường chủ yếu xuất hiện ở người già, người cao tuổi do thiếu máu não, chảy máu não nhưng thời gian gần đây số người đột quỵ ngày càng gia tăng và trẻ hóa. Nguyên nhân dẫn đến việc này là bệnh tăng huyết áp (tác nhân hàng đầu gây đột quỵ) ngày càng trẻ hóa. Bên cạnh đó, do đời sống của người dân ngày càng được nâng cao nên việc sử dụng rượu, bia, chất đạm ở giới trẻ ngày một nhiều, có nguy cơ làm gia tăng mỡ máu, lâu dần sẽ có nguy cơ xơ vữa động mạch và tăng huyết áp.

Ngoài ra, áp lực công việc của giới trẻ gia tăng, thời gian để vận động cơ thể thiếu hoặc không có hoặc lười vận động dễ gây béo phì, thừa cân… Tất cả các yếu tố đó đều có nguy cơ làm gia tăng bệnh tăng huyết áp, bệnh tim mạch… và sự gia tăng đột quỵ là khó tránh khỏi.

Ông Lưu cũng nhấn mạnh khi số lượng người bị đột quỵ ngày càng tăng, các phương pháp can thiệp sau đột quỵ là rất quan trọng giúp người bệnh trở về cuộc sống bình thường. Thống kê cho thấy có tới 80% bệnh nhân sau đột quỵ chịu những di chứng với tổn thương nặng nề và 30% trong số họ không thể hồi phục. Do đó, người bệnh cần thực hiện phục hồi chức năng, tập luyện bền bỉ, tăng cơ hội phục hồi các di chứng.

Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 200.000 người mắc đột quỵ mới ảnh 2Phương pháp can thiệp sau đột quỵ là rất quan trọng giúp người bệnh trở về cuộc sống bình thường. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sau đột quỵ các bệnh nhân thường gặp các di chứng rối loạn vận động như liệt, các rối loạn về nhận thức, giao tiếp, sinh hoạt. khó vận động, ăn uống... Đặc biệt, bệnh nhân sau đột quỵ có rối loạn tâm lý, cảm xúc, chức năng tình dục...

“Đột quỵ là một trong số các bệnh có nhu cầu tập phục hồi chức năng cao. Đây được xem là bệnh lý đa tàn tật bởi có nhiều dạng khuyết tật khác nhau trong một người bệnh đột quỵ nên phương pháp phục hồi phải đa dạng, đa mô thức từ thuốc, can thiệp ngoại khoa, can thiệp phục hồi chức năng bằng máy, tay, bài tập và chia ra nhiều giai đoạn,” phó giáo sư Nguyễn Trọng Lưu phân tích.

Vì vậy, ông khuyến cáo bệnh nhân đột quỵ cần tiếp cận phục hồi chức năng sớm nhất, ngay khi ổn định điều trị. Thời gian lý tưởng là trong 6 tháng đầu sau đột quỵ.

Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), nhu cầu phục hồi chức năng tại Việt Nam rất lớn do dân số đang già hóa; tỷ lệ khuyết tật lớn. Bên cạnh đó, mô hình bệnh tật thay đổi cần phục hồi chức năng như hậu COVID-19, bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đột quỵ và tai nạn thương tích cũng đang gia tăng…

Bộ Y tế ước tính cả nước có hơn 30 triệu người cần được phục hồi chức năng, tập trung nhiều hơn ở độ tuổi 50-59 và nhiều nhất thuộc nhóm bệnh rối loạn cơ xương khớp.

Nhu cầu người bệnh rất lớn, song theo điều tra Bộ Y tế năm 2020, chỉ hơn 40% người tiếp cận phục hồi chức năng. Bộ Y tế đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ nâng tỷ lệ này lên 80%.

Tổ chức Y tế Thế giới chia quá trình phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ làm 4 giai đoạn. Sau giai đoạn tối cấp diễn ra trong 48 giờ đầu ưu tiên cứu sống, người bệnh bước vào giai đoạn hồi phục sớm. Giai đoạn hai diễn ra từ sau 48 giờ đến 3 tháng là giai đoạn "vàng."

Giai đoạn tiếp theo diễn ra 3-6 tháng sau đó, cũng là giai đoạn phục hồi tốt nhưng chậm hơn. Sau 6 tháng, bệnh nhân chuyển sang giai đoạn mạn tính.

Theo bác sĩ Lưu, sau một năm, tổn thương do đột quỵ cơ bản đã định hình, khả năng thay đổi phục hồi không còn nhiều song vẫn có cơ hội. Vì thế, các bệnh nhân cần bền bỉ, kiên nhẫn tập luyện để có một cuộc sống khỏe mạnh hơn./.

Phó giáo sư Nguyễn Trọng Lưu - Phó Chủ tịch hội phục hồi chức năng Việt Nam chia sẻ về đột quỵ tại Việt Nam:

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục