Mối quan hệ ngoại giao Trung Quốc và Malaysia đang ở năm thứ 47 và đã đạt được trạng thái ổn định. Tuy năm 2020 đã xảy ra một sự thay đổi lớn ảnh hưởng đến hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả mọi quốc gia trên thế giới - đại dịch COVID-19, song hai nước vẫn duy trì được mối quan hệ đặc biệt trong năm 2021 và đều nhất trí duy trì hòa bình tại Biển Đông.
Bài viết của tác giả Khoo Zheng Ying - Giảng viên Trường Đại học Tunku Abdul Rahman (Malaysia) đăng trên trang The Star và Free Malaysia Today đã có những đánh giá cụ thể về mối quan hệ này.
Theo bài viết trên The Star, đại dịch không lường trước được mang tên COVID-19 đã ảnh hưởng đến toàn thế giới, bao gồm cả mối quan hệ giữa Trung Quốc và Malaysia. Điều quan trọng là phải xem xét mối quan hệ này đã bị ảnh hưởng như thế nào bởi đại dịch từ các khía cạnh khác nhau để duy trì mối quan hệ đặc biệt.
Đại dịch đã ảnh hưởng tiêu cực đến điều kiện tài chính ở nhiều quốc gia, làm gián đoạn hoạt động thương mại và du lịch do các đợt phong tỏa kéo dài. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia trong 12 năm liên tiếp và vẫn là điểm đến xuất khẩu lớn nhất của quốc gia Đông Nam Á này.
Tương tự như vậy, Malaysia là một trong những đối tác thương mại chính của Trung Quốc trong số các quốc gia ASEAN. Bất chấp đại dịch COVID-19, kim ngạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và Malaysia vào năm 2020 là 131.16 tỷ USD (542.54 tỷ Ringgit), vượt qua cột mốc 100 tỷ USD.
[''Cơn gió thoảng'' trong quan hệ Malaysia-Trung Quốc]
Ngoài ra, kim ngạch thương mại song phương cũng tăng 43,9% trong nửa đầu năm 2021. Bất chấp đại dịch, thương mại song phương giữa hai nước đã tăng mạnh hơn khi giao dịch và mua sắm trực tuyến đã thúc đẩy giao dịch thương mại lên cấp độ khác.
Khi đại dịch bắt đầu bùng phát trên toàn thế giới, Trung Quốc là quốc gia đầu tiên báo cáo các trường hợp mắc bệnh. Điều này đã tạo ra cú sốc cung và cầu trên toàn thế giới - các nhà sản xuất toàn cầu đã phải cắt giảm sản lượng do các nhà máy Trung Quốc buộc phải tạm dừng hoạt động.
COVID-19 đã ảnh hưởng đến gần như tất cả các lĩnh vực kinh tế ở Malaysia, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất, do phần lớn máy móc được nhập khẩu từ Trung Quốc. Các nhà sản xuất đã phải tìm kiếm các nguồn thay thế từ các quốc gia khác cho các thị trường và nhà cung cấp mới.
Ngành du lịch được công nhận đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế ở bất kỳ quốc gia nào. Với những hạn chế về du lịch quốc tế, du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng lớn.
Khách du lịch Trung Quốc đứng đầu du khách nước ngoài đến Malaysia trong những năm trước. Do đó, Malaysia đã phải chịu sự sụt giảm về lượng khách du lịch Trung Quốc, dẫn đến thiệt hại ước tính khoảng 3,37 tỷ Ringgit Malaysia tính đến tháng 3/2020.
Các điểm đến du lịch phổ biến của du khách Trung Quốc như Johor, Sabah, Penang và Malacca bị ảnh hưởng nặng nề. Do hạn chế đi lại và việc đóng cửa biên giới ở nhiều quốc gia, nhiều sinh viên Malaysia đã không thể nhập cảnh vào Trung Quốc - họ đang rất mong đợi việc mở cửa lại biên giới của Trung Quốc.
Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) đang phát triển chậm ở Malaysia khi nước này đối phó với đại dịch và bất ổn chính trị trong nước cùng lúc. Mới đây, chính quyền bang Melaka đã hủy bỏ thỏa thuận với một nhà đầu tư địa phương về một dự án BRI sau nhiều năm ngừng hoạt động. Điều này đã làm dấy lên lo ngại về cam kết của chính phủ Malaysia đối với các dự án BRI.
Đại dịch đã ảnh hưởng đến các dự án ở Malaysia, với một số dự án BRI bị tạm dừng. Các yếu tố chính dẫn đến việc đình chỉ và trì hoãn trong nhiều dự án BRI là tình trạng phong tỏa đóng cửa biên giới, với hầu hết các chính phủ đình chỉ tất cả các dịch vụ không thiết yếu.
Điều này dẫn đến tình trạng hạn chế người lao động nhập cư cũng như gián đoạn chuỗi cung ứng xây dựng.
Theo Bắc Kinh, Trung Quốc đã và đang hỗ trợ Malaysia trong giai đoạn khó khăn này. Trên thực tế Trung Quốc đã hỗ trợ khẩu trang, máy thở và vật tư y tế, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về các chính sách kiểm soát đại dịch và hợp tác về khả năng phát triển và tiếp cận vaccine.
Tháng 7/2021, Trung Quốc đã hỗ trợ Malaysia 500.000 liều vaccine Sinovac và vào tháng 9/2021, Trung Quốc đã đồng ý tài trợ 1 triệu liều vaccine khác. Điều này là do tình hữu nghị lịch sử giữa hai nước và cũng là một cử chỉ thiện chí đáp lại sự viện trợ của Malaysia trong giai đoạn đầu của đại dịch cho Trung Quốc.
Trước đó, trên trang Free Malaysia Today, Malasyia và Trung Quốc đã nhất trí duy trì hòa bình tại Biển Đông. Phát biểu trước báo giới trong cuộc họp báo với Ủy viên quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah cho biết cả hai bên nhất trí rằng Biển Đông đại diện cho mối quan hệ song phương sâu sắc của cả hai nước, đồng thời nhấn mạnh: “Là một thành viên của ASEAN, chúng tôi đánh giá cao thực tế là Trung Quốc cũng đang làm việc với chúng tôi về Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông."
Trước đó, ông Saifuddin và người đồng cấp Vương Nghị đồng chủ trì cuộc họp khai mạc của Ủy ban Malaysia-Trung Quốc về hợp tác trong thời kỳ hậu COVID-19, được tiến hành dưới hình thức kết hợp, cả trực tuyến và trực tiếp.
Bộ trưởng Saifuddin thăm chính thức Trung Quốc hai ngày 3 và 4/12, cho biết Malaysia đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc.
Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nền kinh tế trên toàn thế giới, bao gồm cả Trung Quốc và Malaysia. Bất chấp những tác động và hậu quả nặng nề của đại dịch, hai nước vẫn duy trì mối quan hệ gắn bó bền chặt.
Mặc dù vẫn chưa rõ thời điểm đại dịch kết thúc, song mối quan hệ giữa Trung Quốc và Malaysia vẫn không thay đổi. Đại dịch đã chứng minh rằng không quốc gia nào có thể đứng một mình trong cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu này.
Tất cả các nước nên hợp tác như một cộng đồng vì tất cả đều có chung một tương lai. Trung Quốc và Malaysia cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ để cùng phục hồi mạnh mẽ về kinh tế, thương mại, du lịch và tất cả các lĩnh vực khác sau đại dịch./.