Theo tờ Thời báo Hoàn cầu, Hội thảo thường niên Thời báo Hoàn cầu năm 2019 mang chủ đề “Cạnh tranh Trung-Mỹ và sự thay đổi của thế giới” đã diễn ra ngày 8/12 tại trụ sở của Nhân dân Nhật báo ở Bắc Kinh.
Xoay quanh chủ đề nêu trên, hội thảo tập trung thảo luận về 4 nội dung lớn: Triển vọng quan hệ Trung-Mỹ; Đánh giá về môi trường ngoại giao của Trung Quốc; Biển Đông và eo biển Đài Loan liệu có xảy ra xung đột; Trung Quốc nên tiếp tục thúc đẩy mở cửa như thế nào?
Đề cập đến môi trường ngoại giao của Trung Quốc, phần trình bày của các diễn giả nổi lên một số vấn đề đáng chú ý sau:
Lưu Giang Vĩnh - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu vấn đề quốc tế thuộc trường Đại học Thanh Hoa - cho rằng trong năm 2018, về tổng thể môi trường quốc tế của Trung Quốc là tốt, nhưng cục bộ xuất hiện một số ý kiến đối lập sâu sắc, thậm chí là cọ sát, đối kháng.
Theo ông, một điểm thú vị trong sự thay đổi về ngoại giao Trung Quốc trong năm 2018 là trước đây dư luận cho rằng quan hệ Trung-Mỹ là trọng tâm của ngoại giao Trung Quốc, quan hệ hai nước lắng dịu sẽ dẫn đến quan hệ giữa Trung Quốc với các nước khác xấu đi.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay là mâu thuẫn Trung-Mỹ gia tăng trong năm 2018 không khiến cho quan hệ giữa Trung Quốc với các nước khác xấu đi, mà diễn biến ngược lại.
Ông đánh giá Mỹ hiện đã ra tay với rất nhiều nước trên thế giới, khiến các nước đó tìm được nhiều lợi ích chung. Trung Quốc cần cùng các nước khác trên thế giới đoàn kết, nương tựa vào nhau.
Chuyên gia Cao Hồng Kiện - làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc - đánh giá môi trường ngoại giao của Trung Quốc hiện nay là đáng lo ngại.
Những thách thức mới mà Trung Quốc phải đối mặt rất đáng phải suy nghĩ.
Sự trưởng thành, phát triển của Trung Quốc đã gây ra sự lo ngại cho đối phương. Do vậy, môi trường ngoại giao của Trung Quốc trong năm 2019 có tốt lên hay không chủ yếu phụ thuộc vào sự thay đổi trong 2 hướng: Một là, làm tốt việc của mình, Trung Quốc phát triển, mạnh lên mới có môi trường bên ngoài tốt. Hai là, tích cực, chủ động tạo dựng môi trường ngoại giao, đặc biệt là môi trường xung quanh.
Phân tích kỹ hơn, Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu châu Âu thuộc Viện Nghiên cứu vấn đề quốc tế Trung Quốc Thôi Hồng Kiện nhận định việc xử lý tốt 4 cặp quan hệ có vai trò quan trọng đối với mối quan hệ của Trung Quốc với thế giới trong tương lai, bao gồm:
[Cải cách và mở cửa là 'cuộc cách mạng vĩ đại' trong lịch sử Trung Quốc]
Một là, cần vượt qua tư duy đối lập xấu và tốt. Môi trường của Trung Quốc đang trở nên phức tạp, nếu chỉ bàn đến có lợi hay bất lợi, xấu và tốt thì thường mang tính chất phán đoán giá trị, phân tích cảm tính, nên cần đứng từ tầm cao hơn, xử lý tốt mối quan hệ giữa đại cục và toàn cục.
Đại cục không đồng nghĩa với toàn cục, cần xử lý tốt mối quan hệ giữa cục bộ và tổng thể, bao gồm quan hệ song phương và đa phương.
Hai là, cần xử lý tốt mối quan hệ giữa trong và ngoài, trong thời gian tới tình hình chính trị thế giới càng phức tạp, Trung Quốc cần tìm sự hợp tác trong cạnh tranh.
Trong quá trình này, sự tương tác giữa bên trong và bên ngoài ngày càng nhiều. Trung Quốc đang hỏi “thế giới có mở cửa với Trung Quốc hay không?" ngược lại thế giới cũng đang hỏi “Trung Quốc có tiếp tục mở cửa với thế giới hay không?"
Ba là, cần xử lý tốt mối quan hệ giữa lớn và nhỏ. Những năm gần đây Trung Quốc có nhiều ý tưởng lớn, tiếp theo cần chuyển hóa thành những nội dung cụ thể, thiết thực. “Lớn và nhỏ" thể hiện ở việc Trung Quốc liệu có đủ trí tuệ để khiến việc lớn hóa nhỏ, tránh những vấn đề mang tính kỹ thuật chuyển thành vấn đề chính trị, an ninh hay không.
Bốn là, cần xử lý tốt mối quan hệ giữa mềm và cứng. Trong môi trường quốc tế hiện nay, ngoài Mỹ còn có một số nền kinh tế mới nổi có cọ sát với Trung Quốc. Làm thế nào để Trung Quốc tìm được sự cân bằng giữa mềm và cứng, đi theo hướng có lợi trong thời gian, lĩnh vực cụ thể?
Đây là nhân tố then chốt quyết định môi trường ngoại giao của Trung Quốc trong thời gian tới liệu có phát triển theo hướng có lợi cho Trung Quốc và thế giới hay không./.