Một cô gái xinh đẹp đã bị chọc ghẹo 108 lần khi đi bộ trên đường phố New York, mặc dù cô chỉ mặc áo thun, quần bò và đi giày thể thao đơn giản, cho thấy vấn đề quấy rối tình dục tại Mỹ thực sự nghiêm trọng.
Theo Daily Mail, cuộc tản bộ trên đường phố New York của Shoshana Roberts, 24 tuổi, sinh viên tốt nghiệp trường đại học Kuzztown ở Pennsylvania và hiện đang là một nữ diễn viên đã được bạn là Rob Bliss ghi lại bằng một máy quay bí mật. Trong vòng 10 tiếng đồng hồ di chuyển, rất nhiều người đã hỏi cô những câu như "Có gì thế người đẹp?", "Này cưng", "Cười lên nào" và "Buổi tối vui vẻ nhé cưng."
Một số người đàn ông còn theo cô trong vài phút và một người còn liên tục hỏi "Không muốn nói chuyện à? Tại tôi xấu quá sao?" Những người khác thì nháy mắt hoặc huýt sáo hay gây tiếng động khi cô đi qua.
Đoạn video đã được cô Roberts đưa lên YouTube và Facebook cá nhân. Cô Roberts viết: "Chuyện này xảy ra hàng ngày với rất nhiều người. Chúng ta không chấp nhận bị quấy rầy ở trường học, ở nhà, hay ở nơi làm việc. Vậy tại sao chúng ta lại phải chịu đựng điều đó trên đường phố? Tất cả mọi người đều có quyền được cảm thấy an toàn."
Anh Bliss, người đã ghi lại những hình ảnh này bằng một chiếc máy quay giấu trong balô cho biết anh muốn làm điều này cùng cô Roberts vì trước đó bạn gái anh cũng từng phàn nàn về việc bị đàn ông trêu ghẹo khi đi trên phố. Những âm thanh xung quanh được ghi lại bằng hai microphone cô Roberts cầm trên tay. Đôi bạn thậm chí còn không nhận ra có người đã trêu ghẹo tới khi xem lại đoạn phim.
"Tôi thực sự bị sốc khi nghe đoạn audio ghi lại lời nói của những người xung quanh khi tôi vừa mới đi được nửa dãy nhà. Tôi thậm chí còn chẳng biết là họ đã nói như vậy nữa, nghĩa là có nhiều lúc mọi người sẽ nói gì đó mà tôi không hề hay biết."
Trong đoạn video, cô Roberts xuất hiện với vẻ không thoải mái khi những người đàn ông trêu cô bằng những câu như "Có người chào cô vì cô đẹp đấy" hay "Cô nên nói 'cảm ơn' nhiều hơn một chút chứ."
Trên Facebook của mình, anh Bliss nói: "Không chỉ có một, mà có rất nhiều lời bình phẩm. Thử tưởng tượng những người đó nói những lời đó với bạn cả ngày, bạn sẽ cảm thấy thế nào? Bạn có thể nghĩ rằng nói ra vài câu bình phẩm không tổn hại gì, nhưng như vậy nghĩa là bạn đã bỏ qua ảnh hưởng lớn hơn từ lời nói của bạn với người khác."
Hollaback!, một tổ chức đấu tranh chống quấy rối trên đường phố đã sử dụng đoạn video này với mục đích tuyên truyền cho cộng đồng. Tổ chức này ước tính có 70-90% phụ nữ bị chọc ghẹo hay quấy rối khi đi trên đường. Emily May, nhà đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành Hollaback! cho biết:
"Mục đích của đoạn video là để động viên tinh thần của những người đã từng bị quấy rối trên đường phố, để họ thấy rằng mình không đơn độc."