Một tỷ đồng để “kỹ sư chân đất” xây thương hiệu Việt

Huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đầu tư gần 1 tỉ đồng cho cơ sở cơ khí Tư Sang sản xuất máy nông cụ và tiến hành xây dựng thương hiệu Việt.
Theo ông Lê Văn Năm, Trưởng phòng Công thương huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, huyện đang đầu tư gần 1 tỉ đồng, hỗ trợ cho cơ sở cơ khí Tư Sang hoàn thiện các quy trình sản xuất máy nông cụ theo tiêu chuẩn, sản xuất đại trà, giảm giá thành cho nông dân và tiến hành xây dựng thương hiệu Việt cho cơ sở này.

Từ đầu năm đến nay, cơ sở cơ khí Tư Sang đã sản xuất ra hơn 200 máy nông cụ phục vụ sản xuất của nông dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Các loại nông cụ này có khả năng thay thế hàng chục lao động chân tay, góp phần giảm chi phí, thất thoát trong khâu thu hoạch lúa. Theo kế hoạch năm nay, cơ sở sẽ sản xuất 300 máy công cụ, tăng 100 máy so với năm trước.

Thời gian gần đây, nông dân nhiều tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long biết đến cơ sở cơ khí Tư Sang ở ấp Khu Phố Cầu Xéo, xã Hậu Thành, huyện Cái Bè với những chiếc máy nông cụ mang thương hiệu “Tư Sang”. Những chiếc máy này đã trở nên quen thuộc, gánh vác công việc nặng nhọc của nông dân, góp phần làm nên những vụ mùa bội thu.

Ông Tư Sang tên thật là Nguyễn Văn Lang, có hơn 30 năm gắm bó với nghề cơ khí. Năm 1980, thời điểm ông bắt đầu say mê với công tác nghiên cứu, chế tạo máy nông cụ, nông dân tỉnh Tiền Giang cũng như các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long rất thiếu phương tiện cơ giới để sản xuất lúa, khi thu hoạch nhiều hộ phải đập bồ rất vất vả, mất thời gian.

Bên cạnh đó, trên thị trường, các loại máy tuốt lúa ngoại nhập đắt tiền lại không phù hợp với đất phù sa, ngập nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Sau nhiều ngày nghiên cứu, tìm tòi các nguyên tắc, tính năng của máy để cải tiến phục vụ nông dân, ông Tư Sang đã rút ra kinh nghiệm và thành công.

Chiếc máy tuốt lúa tân tiến do ông làm ra được nông dân trong, ngoài tỉnh ưa chuộng, có ưu điểm rẻ tiền, gọn nhẹ và thu hoạch nhanh, giảm bớt hao hụt do đổ tháo. Đến nay, dù hơn 20 năm nhưng máy tuốt lúa của ông vẫn được nông dân sử dụng; ông đã cải tiến được trên 2.000 máy tuốt lúa phục vụ cho sản xuất của nông dân.

Xuất phát từ việc thiếu nhân công trong thu hoạch lúa, năm 1996, ông Tư Sang lại trăn trở, sáng chế ra một loại máy nông cụ có thể vừa cắt, vừa tuốt và làm cho lúa sạch. Do có một lúc 3 chức năng nên việc nghiên cứu, sáng chế ra loại máy này vô cùng khó khăn.

Gần 10 năm nghiên cứu, đến năm 2006, ông Tư Sang cho ra đời máy gặt đập liên hợp, loại máy hiện đại đang được nông dân áp dụng trong sản xuất.

Máy gặt đập do ông sáng chế có trọng lượng hơn 2 tấn; có khả năng thu hoạch 4-5ha lúa/ngày, thay thế cho khoảng hơn 50 công lao động.

Đến nay, ông Tư Sang sáng chế được khoảng 30 máy gặt đập liên hợp. Tuy giá thành trên 130 triệu đồng/máy nhưng cơ sở của ông sản xuất không đủ máy để bán cho nông dân các nơi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục