Ngày 6/11, phát biểu tại khách sạn Taj Mahal Palace của Ấn Độ, nơi từng là tâm điểm của các vụ tấn công đẫm máu ở Mumbai năm 2008, Tổng thống Mỹ Barack Obama, đang ở thăm chính thức Ấn Độ, tuyên bố hai nước sẽ đoàn kết chống khủng bố.
Ông Obama nghỉ tại khách sạn Taj Mahal Palace trong thời gian lưu lại Mumbai - trung tâm tài chính và thương mại của Ấn Độ, trở thành vị khách cấp cao nhất của khách sạn này kể từ khi xảy ra vụ tấn công khủng bố ngày 26/11/2008, khiến 166 người thiệt mạng.
Tổng thống Obama đã ca ngợi khách sạn Taj Mahal Palace là biểu tượng cho sức mạnh và tính kiên cường của Ấn Độ. Trong vụ tấn công đẫm máu năm 2008, tại Taj Mahal Palace có 31 người thiệt mạng, trong đó có 12 nhân viên khách sạn.
Tại khách sạn, ông Obama đã gặp một số người sống sót, tưởng niệm các nạn nhân trong vụ tấn công trên.
Phát biểu tại cuộc gặp, Tổng thống Obama khẳng định ông tới thăm Mumbai nhằm thể hiện tình đoàn kết của Mỹ với các nạn nhân trong vụ khủng bố đẫm máu, và nhấn mạnh sẽ tăng cường quan hệ hợp tác Mỹ-Ấn trong cuộc đấu tranh chống khủng bố, quyết tâm mang lại cho người dân hai nước một tương lai an toàn và thịnh vượng.
Chiều cùng ngày, ông Obama phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Ấn-Mỹ với sự tham gia của hơn 400 tổng giám đốc điều hành (CEO) của hai nước do Hội đồng doanh nghiệp Mỹ-Ấn (USIBC) tổ chức.
Dự kiến, rời Mumbai, Tổng thống Obama sẽ tới thủ đô New Delhi, hội đàm với các nhà lãnh đạo cấp cao Ấn Độ, như Tổng thống Pratibha Patil và Thủ tướng Manmohan Singh.
Ông cũng sẽ gặp bà Sonia Gandhi, Chủ tịch đảng Quốc đại lãnh đạo Liên minh Tiến bộ Thống nhất (UPA) cầm quyền và bà Sushma Swaraj, Chủ tịch đoàn các nghị sĩ thuộc Đảng nhân dân Ấn Độ (BJP) đối lập trong hạ nghị viện.
Ưu tiên trong chương trình nghị sự của ông Obama trong chuyến thăm ba ngày này là thúc đẩy quan hệ kinh tế và các hiệp định thương mại về vũ khí và thiết bị hạt nhân với Ấn Độ nhằm giúp khôi phục nền kinh tế đang suy thoái của Mỹ hiện nay, đồng thời thuyết phục Ấn Độ mở cửa thị trường hơn nữa đối với các hàng hóa và dịch vụ của Mỹ.
Trong thời gian Tổng thống Obama thăm Ấn Độ, nhiều khả năng hai bên sẽ ký một số hiệp định thương mại và mua bán vũ khí với tổng giá trị lên tới 12 tỷ USD. Ngoài ra, có thể hai nước cũng sẽ ký hiệp định về hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu vũ trụ.
New Delhi hy vọng thuyết phục Washington cho phép để hàng hóa và dịch vụ Ấn Độ tăng cường tiếp cận thị trường Mỹ, bãi bỏ lệnh cấm tiếp cận kỹ thuật công nghệ cao đối với Tổ chức nghiên cứu vũ trụ (ISRO) và Tổ chức Nghiên cứu và phát triển quốc phòng (DRDO) của Ấn Độ, điều chỉnh chính sách gây ảnh hưởng tới lĩnh vực xuất khẩu phần mềm của Ấn Độ, ủng hộ Ấn Độ trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và giúp New Delhi tăng cường vai trò tại Afghanistan.
Kim ngạch thương mại hai chiều Mỹ-Ấn đạt 36,5 tỷ USD trong tài khóa 2009-2010. Tuy nhiên, hiện Mỹ đã bị rớt xuống hàng thứ ba trong số các đối tác thương mại lớn với Ấn Độ, sau Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU)./.
Ông Obama nghỉ tại khách sạn Taj Mahal Palace trong thời gian lưu lại Mumbai - trung tâm tài chính và thương mại của Ấn Độ, trở thành vị khách cấp cao nhất của khách sạn này kể từ khi xảy ra vụ tấn công khủng bố ngày 26/11/2008, khiến 166 người thiệt mạng.
Tổng thống Obama đã ca ngợi khách sạn Taj Mahal Palace là biểu tượng cho sức mạnh và tính kiên cường của Ấn Độ. Trong vụ tấn công đẫm máu năm 2008, tại Taj Mahal Palace có 31 người thiệt mạng, trong đó có 12 nhân viên khách sạn.
Tại khách sạn, ông Obama đã gặp một số người sống sót, tưởng niệm các nạn nhân trong vụ tấn công trên.
Phát biểu tại cuộc gặp, Tổng thống Obama khẳng định ông tới thăm Mumbai nhằm thể hiện tình đoàn kết của Mỹ với các nạn nhân trong vụ khủng bố đẫm máu, và nhấn mạnh sẽ tăng cường quan hệ hợp tác Mỹ-Ấn trong cuộc đấu tranh chống khủng bố, quyết tâm mang lại cho người dân hai nước một tương lai an toàn và thịnh vượng.
Chiều cùng ngày, ông Obama phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Ấn-Mỹ với sự tham gia của hơn 400 tổng giám đốc điều hành (CEO) của hai nước do Hội đồng doanh nghiệp Mỹ-Ấn (USIBC) tổ chức.
Dự kiến, rời Mumbai, Tổng thống Obama sẽ tới thủ đô New Delhi, hội đàm với các nhà lãnh đạo cấp cao Ấn Độ, như Tổng thống Pratibha Patil và Thủ tướng Manmohan Singh.
Ông cũng sẽ gặp bà Sonia Gandhi, Chủ tịch đảng Quốc đại lãnh đạo Liên minh Tiến bộ Thống nhất (UPA) cầm quyền và bà Sushma Swaraj, Chủ tịch đoàn các nghị sĩ thuộc Đảng nhân dân Ấn Độ (BJP) đối lập trong hạ nghị viện.
Ưu tiên trong chương trình nghị sự của ông Obama trong chuyến thăm ba ngày này là thúc đẩy quan hệ kinh tế và các hiệp định thương mại về vũ khí và thiết bị hạt nhân với Ấn Độ nhằm giúp khôi phục nền kinh tế đang suy thoái của Mỹ hiện nay, đồng thời thuyết phục Ấn Độ mở cửa thị trường hơn nữa đối với các hàng hóa và dịch vụ của Mỹ.
Trong thời gian Tổng thống Obama thăm Ấn Độ, nhiều khả năng hai bên sẽ ký một số hiệp định thương mại và mua bán vũ khí với tổng giá trị lên tới 12 tỷ USD. Ngoài ra, có thể hai nước cũng sẽ ký hiệp định về hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu vũ trụ.
New Delhi hy vọng thuyết phục Washington cho phép để hàng hóa và dịch vụ Ấn Độ tăng cường tiếp cận thị trường Mỹ, bãi bỏ lệnh cấm tiếp cận kỹ thuật công nghệ cao đối với Tổ chức nghiên cứu vũ trụ (ISRO) và Tổ chức Nghiên cứu và phát triển quốc phòng (DRDO) của Ấn Độ, điều chỉnh chính sách gây ảnh hưởng tới lĩnh vực xuất khẩu phần mềm của Ấn Độ, ủng hộ Ấn Độ trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và giúp New Delhi tăng cường vai trò tại Afghanistan.
Kim ngạch thương mại hai chiều Mỹ-Ấn đạt 36,5 tỷ USD trong tài khóa 2009-2010. Tuy nhiên, hiện Mỹ đã bị rớt xuống hàng thứ ba trong số các đối tác thương mại lớn với Ấn Độ, sau Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU)./.
(TTXVN/Vietnam+)