Mỹ chấm dứt quy chế ưu đãi dành cho Hong Kong: Con dao hai lưỡi?

Theo hãng tin Reuters, việc Tổng thống Donald Trump quyết định chấm dứt những ưu đãi thương mại của Hong Kong có thể sẽ là "con dao hai lưỡi" đối với Mỹ.
Mỹ chấm dứt quy chế ưu đãi dành cho Hong Kong: Con dao hai lưỡi? ảnh 1Toàn cảnh Hong Kong. (Nguồn: AFP)

Theo Reuters/AFP, ngày 14/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh chấm dứt quy chế đặc biệt dành cho Hong Kong theo luật của Mỹ nhằm trừng phạt Trung Quốc vì điều mà ông gọi là "các hành động đàn áp" chống lại Hong Kong.

Đề cập tới quyết định ban hành một luật an ninh mới đối với Hong Kong của chính quyền Trung Quốc, Tổng thống Trump cho biết ông đã ký một sắc lệnh hành pháp chấm dứt những ưu đãi thương mại mà Hong Kong được hưởng nhiều năm qua.

Ông phát biểu trong một cuộc họp báo rằng Hong Kong sẽ "không có đặc quyền, không được đối xứ đặc biệt về kinh tế và không có xuất khẩu công nghệ nhạy cảm."

Cũng trong ngày 14/7, ông Trump đã ký một dự luận được Quốc hội Mỹ ủng hộ nhằm trừng phạt các ngân hàng làm ăn với các quan chức Trung Quốc có liên quan tới việc thực hiện Luật An ninh mới.

Ông nói: "Ngày hôm nay tôi đã ký thành luật một dự luật, và một một sắc lệnh hành pháp để buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về những hành động hung hăng của họ chống lại người Hong Kong." Ông nói thêm: "Hong Kong hiện sẽ được đối xử giống như Trung Quốc Đại lục."

Theo một tài liệu của Nhà Trắng, sắc lệnh hành pháp này bao gồm việc rút lại quy chế đặc biệt đối với những người mang hộ chiếu Hong Kong.

Những người chỉ trích Luật An ninh mới của Trung Quốc lo ngại rằng luật này sẽ lấy đi những quyền tự do mà Hong Kong được hứa hẹn khi Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc vào năm 1997, trong khi những người ủng hộ lại cho rằng luật an ninh mới sẽ đem lại sự ổn định cho thành phố sau một năm liên tục xảy ra các cuộc biểu tình bạo lực chống chính quyền.

Quan hệ của Mỹ với Trung Quốc đã trở nên căng thẳng vì đại dịch viêm đường hô hấp do virus Corona chủng mới (COVID-19), vấn đề Biển Đông, cách Bắc Kinh đối xử với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và tình trạng thâm hụt thương mại lớn của Mỹ với Trung Quốc. Hong Kong - thuộc địa cũ của Anh - được trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997 kèm theo một luật nhằm bảo vệ quyền tự do ngôn luận, tự do tụ họp và tự do báo chí cho tới tận năm 2047.

Luật mới vừa được Tổng thống Trump ký thông qua kêu gọi trừng phạt các quan chức Trung Quốc và những người có liên quan tới việc làm suy yếu quyền tự trị của Hong Kong, các thể chế tài chính có hợp tác với những người tham gia vào bất kỳ vụ đàn áp nào ở Hong Kong.

Cách xử lý đại dịch COVID-19 của Tổng thống Trump đã làm dấy lên nghi ngờ về việc liệu ông có thể tái đắc cử vào ngày 3/11 sắp tới hay không trong bối cảnh xuất hiện làn sóng lây nhiễm mới. Ông Trump đã tìm cách đổi lỗi cho Trung Quốc.

Ông nói: "Đừng nhầm lẫn. Chúng tôi sẽ buộc Trung Quốc phải chịu hoàn toàn trách nhiệm vì đã che giấu dịch và để nó lây lan ra toàn thế giới. Họ lẽ ra có thể ngăn chặn dịch bệnh này, họ lẽ ra nên ngăn chặn nó. Mọi chuyện sẽ rất dễ dàng nếu được xử lý ngay từ đầu."

Khi được hỏi liệu ông có kế hoạch gặp Chủ tịch Tập Cận Bình hay không, Tổng thống Trump đáp: "Tôi không có kế hoạch nói chuyện với ông ấy."

"Sự khiển trách nhanh chóng"

Theo hãng tin AFP, Đạo luật Tự trị Hong Kong, luật cứng rắn hơn so với một luật về Hong Kong hồi năm ngoái, nhận được sự ủng hộ áp đảo của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, điều đó có nghĩa rằng Quốc hội Mỹ chắc chắn sẽ không phủ quyết đạo luật này.

Thượng nghị sỹ Chris Van Hollen, thành viên đảng Dân chủ, phát biểu: "Ngày hôm nay, Mỹ đã thể hiện rõ với Trung Quốc rằng Trung Quốc không thể tiếp tục tấn công quyền tự do và quyền con người ở Hong Kong mà không phải nhận hậu quả nghiêm trọng. Sự hung hăng của chính phủ Trung Quốc xứng đáng phải nhận sự khiển trách nhanh chóng này."

[Tổng thống Mỹ chấm dứt ưu đãi thương mại đối với Hong Kong]

Bắc Kinh phớt lờ những cảnh báo của quốc tế khi ban hành Luật An ninh mới nhằm trừng phạt những người phạm tội âm mưu lật đổ nhà nước và những tội danh khác ở Hong Kong. Luật này đã "thổi một làn gió lạnh" vào trung tâm tài chính Hong Kong- nơi đã chứng kiến nhiều cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ quy mô lớn và đôi khi bạo lực hồi năm ngoái.

Trung Quốc nhanh chóng áp dụng luật này, và ngày 13/7 còn cảnh báo rằng một cuộc bầu cử sơ bộ giữa các đảng ủng hộ dân chủ, trong đó có 600.000 người Hong Kong tham gia, là "hành động khiêu khích nghiêm trọng."

Sáng 14/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã hoan nghênh cuộc bầu cử này và kêu gọi các cuộc bầu cử lập pháp ở Hong Kong dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới phải được tổ chức "một cách công bằng, tự do và minh bạch."

"Con dao hai lưỡi"?

Theo hãng tin Reuters, chấm dứt những ưu đãi thương mại của Hong Kong có thể sẽ là "con dao hai lưỡi" đối với Mỹ.

Theo số liệu của Cục Thống kê Mỹ, Hong Kong là nơi Mỹ có thặng dư thương mại song phương bằng hàng hóa lớn nhất hồi năm ngoái với 26,1 tỷ USD. Đây cũng là điểm đến quan trọng của các công ty Mỹ hoạt động trong lĩnh vực kế toán và pháp lý. Hơn 1.300 công ty Mỹ mở văn phòng tại thành phố này. Các nhà phân tích nói rằng việc chấm dứt hoàn toàn các ưu đãi thương mại của Hong Kong có thể sẽ gây tổn hại cho chính Mỹ - quốc gia được hưởng lợi từ các điều kiện thuận lợi cho kinh doanh của Hong Kong.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, 85.000 công dân Mỹ sinh sống ở Hong Kong năm 2018 và hơn 1.300 công ty Mỹ đang hoạt động tại đây, bao gồm gần như tất cả các công ty tài chính lớn của Mỹ.

Vùng lãnh thổ này là nơi có nhiều công ty Mỹ hoạt động trong lĩnh vực kế toán và pháp lý. Năm 2018, thặng dư thương mại hàng hóa song phương lớn nhất của Mỹ là với Hong Kong, đạt mức 31,1 tỷ USD.

Mỹ bắt đầu tiến trình xóa bỏ quy chế đặc biệt dành cho Hong Kong theo luật của Mỹ vào cuối tháng 6 vừa qua, chấm dứt xuất khẩu quốc phòng và hạn chế vùng lãnh thổ này tiếp cận các sản phẩm công nghệ cao trong bối cảnh Trung Quốc Đại lục đang chuẩn bị ban hành luật an ninh mới.

Hồi tháng 5, Tổng thống Trump đáp trả kế hoạch ban hành luật an ninh mới của Trung Quốc bằng cách tuyên bố ông đang khởi động một tiến trình nhằm xóa bỏ việc đối xử đặc biệt về kinh tế với Hong Kong - điều đã giúp Hong Kong duy trì vị trí trung tâm tài chính toàn cầu của mình.

Khi đó, ông không kêu gọi ngay lập tức chấm dứt các ưu đãi thương mại, nhưng nói rằng các động thái này sẽ ảnh hưởng tới một loạt thỏa thuận của Mỹ với Hong Kong, từ thỏa thuận dẫn độ tới kiểm soát xuất khẩu các công nghệ lưỡng dụng.

Một quan chức Mỹ giấu tên nói rằng chính quyền cũng đang chuẩn bị trừng phạt các quan chức và các thực thể của Trung Quốc liên quan tới việc đàn áp Hong Kong, bao gồm việc tăng cường lệnh cấm đi lại và có thể là cả các biện pháp trừng phạt của Bộ Tài chính.

Thời gian triển khai các biện pháp trừng phạt này hiện vẫn chưa rõ. Nhà Trắng trước đây từng đe dọa áp dụng các biện pháp trừng phạt tương tự nhưng cho tới nay mới chỉ hạn chế cấp thị thực cho một số các quan chức Trung Quốc không được nêu tên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục