Mỹ công bố những ưu tiên trong năm 2023 với vai trò chủ nhà APEC

Với chủ đề “Tạo dựng một tương lai kiên cường và bền vững cho tất cả mọi người,” Mỹ nhấn mạnh việc cam kết thúc đẩy về các vấn đề chính như khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, thương mại kỹ thuật số...
Mỹ công bố những ưu tiên trong năm 2023 với vai trò chủ nhà APEC ảnh 1(Nguồn: Apec)

Năm 2023, Mỹ sẽ là nước chủ nhà đăng cai tổ chức tuần lễ các nhà lãnh đạo kinh tế APEC, dự kiến sẽ được tổ chức tại San Francisco vào tháng 11/2023. Tại cuộc họp không chính thức các quan chức cấp cao APEC diễn ra tại Honolulu (Mỹ) ngày 13/12, Mỹ đã công bố những ưu tiên của nước chủ nhà trong năm 2023.

Với chủ đề “Tạo dựng một tương lai kiên cường và bền vững cho tất cả mọi người,” Mỹ nhấn mạnh việc cam kết thúc đẩy về các vấn đề chính như khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, thương mại kỹ thuật số, kết nối, cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, biến đổi khí hậu và sự bền vững môi trường.

Các vấn đề xoay quanh an ninh lương thực, y tế, chống tham nhũng, số hóa, trao quyền kinh tế cho phụ nữ và hỗ trợ các cộng đồng yếu thế cũng sẽ được ưu tiên trong chương trình nghị sự, dựa trên ba ưu tiên nhấn mạnh là kết nối với nhau, đổi mới và toàn diện.

Mike Pyle, Chủ tịch Hội nghị các quan chức cấp cao APEC 2023, cho biết: “APEC là nơi chúng ta thúc đẩy các chính sách kinh tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư tự do, công bằng và cởi mở, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng bền vững và toàn diện.”

[Mỹ sẽ mời Nga tham dự các hội nghị của APEC năm 2023]

Ông Pyle bày tỏ: “Mỹ rất vui mừng được phục vụ với tư cách là nước chủ nhà APEC năm 2023. Trong năm đăng cai, chúng tôi muốn thể hiện tham vọng và đổi mới trong các ưu tiên của mình. Chủ đề và những ưu tiên phản ánh những gì chúng tôi đã nghe được từ các nền kinh tế thành viên và các bên liên quan nhằm thúc đẩy một chương trình nghị sự về chính sách kinh tế thiết thực nhằm mang lại lợi ích cho người lao động, doanh nghiệp và gia đình ở tất cả các nền kinh tế của chúng ta.”

Cũng tại cuộc họp này, Mỹ đã đề xuất một số lĩnh vực chính sách mà các quan chức APEC cần tập trung vào năm 2023. Ngoài việc thảo luận về cách cấu trúc thể chế hướng đến kết quả, tiếp tục cam kết với các bên, khu vực tư nhân, xã hội dân sự, thanh niên, học giả và doanh nhân được coi là chìa khóa để đảm bảo rằng APEC 2023 giải quyết các nhu cầu và thách thức hiện tại.

Matt Murray, quan chức cấp cao của Mỹ cho biết: “Rõ ràng là toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã trải qua một số tình huống thực sự khó khăn trong vài năm qua. Một trong những điều thực sự gây ấn tượng với chúng tôi tại APEC năm nay chính là mối quan tâm và quan điểm thống nhất xung quanh tính bền vững cũng như tính bao trùm như một vấn đề rất quan trọng trong khu vực.

Chúng tôi chắc chắn muốn sử dụng năm đăng cai để tiếp tục thúc đẩy công việc trên mặt trận này, đồng thời có thể chứng minh một số phương pháp hay nhất mà chúng tôi có ở Mỹ về tính bền vững và hòa nhập.”

Tiến sỹ Rebecca Sta Maria, Giám đốc Điều hành Ban Thư ký APEC, giải thích: “Cuộc họp kéo dài ba ngày tại Honolulu đã gửi đến các nền kinh tế thành viên những gì chúng ta có thể mong đợi từ Mỹ trong năm tới. Thật đáng khích lệ khi biết tầm nhìn cho APEC 2023 phù hợp như thế nào với các sáng kiến và công việc trước đây của chúng tôi, với mục đích tiếp tục tiến bộ và thúc đẩy các sáng kiến mới sẽ kết nối khu vực hơn nữa, hỗ trợ đổi mới và đảm bảo tính toàn diện”./.

Tin cùng chuyên mục