Mỹ: Hoạt động chi tiêu tiêu dùng bất ngờ phục hồi trong tháng 5

Báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy người dân Mỹ đã tăng cường chi tiêu trong tháng Năm mặc dù thu nhập cá nhân giảm 4,2% vào cùng giai đoạn.
Mỹ: Hoạt động chi tiêu tiêu dùng bất ngờ phục hồi trong tháng 5 ảnh 1Người dân mua sắm tại cửa hàng của Tập đoàn Macy ở New York, Mỹ ngày 22/6/2020, khi lệnh mở cửa trở lại bước vào giai đoạn mới. (Ảnh: THX/TTXVN)

Báo cáo mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 26/6 cho thấy chi tiêu tiêu dùng của người dân nước này trong tháng 5/2020 đã tăng tới 8,2% khi nền kinh tế của nước này vẫn chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19.

Mức phục hồi trong chi tiêu tiêu dùng của người dân Mỹ trong tháng Năm đã giúp xóa đi phần nào sự lao dốc của tháng Ba và tháng Tư, lần lượt với mức giảm 6,6% và 12,6%.

Bên cạnh đó, báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy người dân Mỹ đã tăng cường chi tiêu trong tháng Năm mặc dù thu nhập cá nhân giảm 4,2% vào cùng giai đoạn.

Trước đó, trong tháng Tư, thu nhập của người dân Mỹ đã tăng 10,8% nhờ vào hàng tỷ USD kích thích trực tiếp từ Chính phủ dưới hình thức hỗ trợ thất nghiệp cũng như khoản tiền 1.200 USD được thanh toán một lần.

Sang tháng Năm, những biện pháp này không còn được tính trong thu nhập của hầu hết người dân Mỹ.

'Tới năm 2022, kinh tế Mỹ mới có thể trở lại mức trước đại dịch'

Giới quan sát cho rằng nếu không có những biện pháp kích thích hoặc gia hạn hỗ trợ thất nghiệp từ chính phủ, rất khó để xác định liệu người tiêu dùng Mỹ có tiếp tục mạnh tay chi tiêu hay không.

Trong phiên điều trần trước Quốc hội vào tuần trước, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết Quốc hội nên xem xét cung cấp một số hình thức trợ cấp thất nghiệp vượt ngoài thời hạn sáu tháng thông thường, với giả định rằng tỷ lệ thất nghiệp có thể vẫn ở mức khá cao vào cuối năm nay.

Sự phục hồi bất ngờ trong chi tiêu của người Mỹ vào tháng Năm cũng trùng với thời điểm nước này ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới tăng đột ngột. Diễn biến đó buộc các tiểu bang và doanh nghiệp phải xem xét thu hẹp hoặc thậm chí đảo ngược việc nối lại hoạt động.

Nếu xảy ra đợt lây lan dịch bệnh mới, sẽ có ít người mua sắm, đi du lịch, ăn uống hoặc tham dự các sự kiện lớn hơn, qua đó lấy đi bất kỳ sự phục hồi nào trong chi tiêu tiêu dùng và làm suy yếu nền kinh tế Mỹ.

Hoạt động chi tiêu được Chính phủ Mỹ theo dõi chặt chẽ vì nó chiếm khoảng 70% hoạt động của nền kinh tế. Mặc dù chi tiêu tăng trong tháng Năm, các nhà kinh tế đã ước tính rằng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý 2/2020 sẽ giảm 30% so với cùng kỳ 2019, sau khi đã giảm 5% trong quý trước đó. Đó sẽ là con số tính theo quý tồi tệ nhất của nước Mỹ kể từ khi số liệu bắt đầu được thu thập từ năm 1948./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Càphê đặc sản của Đắk Lắk đã có mặt ở thị trường các nước châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada, Trung Quốc. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Xây dựng càphê đặc sản vươn tầm thế giới

Là thủ phủ càphê Việt Nam, Đắk Lắk đang từng bước xây dựng hệ sinh thái càphê đặc sản nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và khẳng định thương hiệu trên thị trường thế giới.

Người dân thành phố Hồ Chí Minh mua vàng trong ngày giá vàng tăng cao. (Ảnh: Hương Giang/TTXVN)

Giao dịch sôi động trong ngày giá vàng tăng kỷ lục

Theo một chủ tiệm vàng trên địa bàn quận Bình Thạnh, hoạt động mua bán sôi động diễn ra nhiều ngày nay trong bối cảnh giá vàng thế giới liên tục tăng, kéo theo đà tăng của thị trường trong nước.

Rượu vang được bày bán tại cửa hàng ở Paris, Pháp. (Ảnh: THX/TTXVN)

Người dân châu Âu sẽ quay lưng với hàng hóa Mỹ?

Dữ liệu gần đây về thuế quan và quyết định mua sắm của người tiêu dùng EU cho thấy: khi giá một sản phẩm tăng do thuế nhập khẩu cao hơn, người tiêu dùng sẽ tìm đến lựa chọn thay thế rẻ hơn.