Mỹ khởi động "mắt xích" đầu tiên đối trọng với BRI của Trung Quốc

"Mắt xích" đầu tiên của Mỹ nhằm đối trọng với BRI sẽ bắt đầu ở khu vực Mỹ Latinh khi một quan chức hàng đầu Nhà Trắng công du khu vực này để đánh giá điều kiện triển khai các dự án khả thi.
Mỹ khởi động "mắt xích" đầu tiên đối trọng với BRI của Trung Quốc ảnh 1Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm trước phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Cornwall (Anh) ngày 11/6/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang xem xét thúc đẩy chương trình do Mỹ dẫn đầu để đối trọng và cạnh tranh với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc về xây dựng cơ sở hạ tầng và thúc đẩy thương mại quốc tế.

"Mắt xích" đầu tiên cho một chương trình như vậy của Mỹ sẽ bắt đầu ở khu vực Mỹ Latinh khi một quan chức hàng đầu của Nhà Trắng sẽ công du khu vực này vào tuần tới để đánh giá và khảo sát điều kiện để triển khai những dự án khả thi.

Quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ với báo giới rằng Phó Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ về kinh tế quốc tế Daleep Singh sẽ tới Colombia, Ecuador và Panama để trao đổi với quan chức cấp cao, lãnh đạo doanh nghiệp và các nhà hoạt động dân sự về nhu cầu cơ sở hạ tầng tại các nước này.

Tổng thống Colombia Ivan Duque Marquez, Tổng thống Ecuador Guillermo Lasso và Bộ trưởng Bộ Công chính Panama Rafael Sabonge nằm trong số các quan chức mà ông Singh dự kiến gặp.

Nguồn tin này cũng cho biết, Nhà Trắng muốn tham gia vào các dự án có tiêu chuẩn về môi trường và lao động cao hơn so với những gì mà Trung Quốc đang tài trợ, cùng với sự minh bạch đầy đủ về các điều khoản tài chính.

Theo nhận định của các phụ tá cho Tổng thống Joe Biden, BRI đã thay hình đổi dạng, từ một sáng kiến mà Mỹ coi là một tập hợp của những dự án cơ sở hạ tầng rời rạc trở thành trọng tâm trong chiến lược chính sách đối ngoại của Bắc Kinh.

Cho đến nay, BRI đã đem lại cho Trung Quốc nguồn nguyên liệu thô, những mối liên kết thương mại và đòn bẩy địa chính trị. 

Được Bắc Kinh khởi động vào năm 2013, BRI ban đầu là phương thức giúp hồi sinh “Con đường Tơ lụa,” vốn là những huyết mạch hàng hải cổ xưa nối châu Á với châu Âu, bao gồm một số hải cảng, đường bộ và những cơ sở hạ tầng khác.

Đến năm 2017, BRI đã được mở rộng sang một số quốc gia, bao gồm các nước Mỹ Latinh, nơi Bắc Kinh dự định xây dựng thêm một cây cầu mới bắc qua kênh đào Panama.

[Phương Tây có cạnh tranh được với Trung Quốc về cơ sở hạ tầng?]

Mỹ đã xây dựng kênh đào này để trở thành con đường thương mại tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa giữa các bờ biển phía Đông và phía Tây của nước này.

Thỏa thuận mở rộng BRI mà Trung Quốc ký với các nước Mỹ Latinh cũng bao gồm việc xây dựng một hệ thống đường sắt cao tốc, hải cảng, những dự án năng lượng và những dự án khác do Bắc Kinh tài trợ.

Kể từ đó, một số quốc gia Nam và Trung Mỹ bao gồm Nicaragua, Venezuela và Ecuador, đã tham gia BRI. Hiện các dự án BRI trên khắp thế giới đã có tổng giá trị khoảng 4 nghìn tỷ USD.

Hồi đầu năm 2021, Tổng thống Biden và các nhà lãnh đạo khác thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã thảo luận về một sáng kiến cơ sở hạ tầng chung cho các nước đang phát triển với ý định sáng kiến này sẽ đối trọng với BRI của Trung Quốc. Nhà Trắng gọi sáng kiến mới là "Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” (B3W).

Mỹ khởi động "mắt xích" đầu tiên đối trọng với BRI của Trung Quốc ảnh 2hó Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ về kinh tế quốc tế Daleep Singh trong chuyến thăm Panama. (Nguồn: AFP)

Hồi năm 2020, chính quyền Mỹ và Đài Loan đã tuyên bố hợp tác tài trợ cho một số dự án ở Mỹ Latinh và coi đây là công cụ để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc (Panama đã thay đổi lập trường ngoại giao, cắt đứt quan hệ với Đài Loan và ngả về phía Trung Quốc ngay trước khi ký kết BRI).

Australia, Mỹ và Nhật Bản cũng đã thảo luận về việc cấp vốn đầu tư cơ sở hạ tầng tư nhân cho các nước nghèo ở châu Á-Thái Bình Dương để cạnh tranh với nỗ lực của Trung Quốc, song ba nước nói trên không công khai thêm chi tiết liên quan nào về vấn đề này.

Theo ước tính của giới chức Mỹ, nhu cầu vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển trên thế giới lên đến 40 nghìn tỷ USD từ nay đến năm 2035.

Theo kế hoạch, khi đến công du Mỹ Latinh, quan chức Mỹ trước tiên sẽ tham khảo và tập hợp ý kiến của lãnh đạo các nước khu vực để có những đánh giá trước khi chính thức lựa chọn một số dự án trọng điểm để có thể triển khai vào đầu năm 2022.

Giới chức Mỹ đã lập ra danh sách những ví dụ về những dự án khả thi, bao gồm các nhà máy điện Mặt Trời ở Ấn Độ, các cơ sở xử lý nước ở El Salvador, cơ sở nghiên cứu và sản xuất dược phẩm ở Nam Phi (có thể tạo ra liệu pháp hoặc vaccine COVID-19), các dự án công nghệ kỹ thuật số có thể thay thế cho mạng không dây 5G, liên kết kỹ thuật số cho nông dân và thương lái ở Kenya, hoặc đầu tư vào các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ ở Brazil.

Các quan chức đi cùng ông Singh sẽ bao gồm David Marchick, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ, một cơ quan độc lập của chính phủ Mỹ chuyên cung cấp tài chính cho các dự án phát triển tư nhân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục