Mỹ muốn áp chế tài buộc Trung Quốc thực thi cam kết thương mại

Tại vòng đàm phán thương mại cấp thứ trưởng, điểm chú ý nhất là việc đoàn đàm phán Mỹ hướng trọng tâm vào vấn đề có tính quyết định: Khả năng Trung Quốc thực hiện đầy đủ các cam kết đề ra.
Mỹ muốn áp chế tài buộc Trung Quốc thực thi cam kết thương mại ảnh 1(Nguồn: Wharton)

Mỹ và Trung Quốc đã nối lại các cuộc đàm phán thương mại cấp thứ trưởng trong hai ngày 7 và 8/1 để tìm giải pháp cho cuộc chiến thương mại vốn đang đe dọa kinh tế toàn cầu.

Theo truyền thông Mỹ, điểm chú ý nhất là việc đoàn đàm phán Mỹ hướng trọng tâm vào vấn đề có tính quyết định: Khả năng Trung Quốc thực hiện đầy đủ các cam kết đề ra.

Hãng tin Bloomberg bình luận cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn chứng tỏ thiện chí cho vòng đàm phán lần này. Phía Mỹ cử phái đoàn đông đảo cho vòng đàm phán ở Bắc Kinh. Trưởng đoàn là Phó Đại diện thương mại Jeffrey Gerrish.

Các thành viên chính thức khác bao gồm nhà đàm phán trưởng về Thương mại thuộc Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) Gregg Doud, Thứ trưởng Nông nghiệp phụ trách thương mại và các vấn đề nông nghiệp quốc tế Ted McKinney, Thứ trưởng Thương mại phụ trách Thương mại và buôn bán quốc tế Gilbert B. Kaplan, Trợ lý Bộ trưởng Năng lượng Steven Winberg, Thứ trưởng Tài chính David Malpass.

Tham gia đoàn còn có quan chức cấp cao đại diện cho Nhà Trắng, Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, USTR và Bộ Năng lượng.

Trung Quốc cũng thể hiện thiện chí đối thoại khi Phó Thủ tướng Lưu Hạc xuất hiện trong ngày đàm phán đầu tiên 7/1, dù trưởng đoàn đàm phán của Trung Quốc là Thứ trưởng Thương mại Vương Thụ Văn.

Tuy nhiên, đàm phán cấp thứ trưởng không thể tạo ra đột phá, chỉ dừng ở mức độ kiểm nghiệm nhận thức của hai bên đối với thỏa thuận đình chiến thương mại đạt được bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina hôm 1/12 vừa qua.

Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), trong các cuộc tiếp xúc ở Bắc Kinh, giới chức Mỹ và Trung Quốc đã rốt ráo chi tiết hóa một loạt cam kết mà giới lãnh đạo Bắc Kinh đưa ra thời gian gần đây như Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu hàng hóa dịch vụ từ Mỹ, mở cửa thị trường nội địa, đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ, giảm trợ cấp của chính phủ đối với các công ty.

Một nguồn tin tham gia vào tiến trình đàm phán tiết lộ, với mỗi một lĩnh vực, phía Mỹ ép Trung Quốc phải có bước đi đảm bảo rằng sẽ thực thi các điều khoản đã cam kết. Cụ thể, Mỹ muốn Trung Quốc công bố chi tiết mặt hàng sẽ tăng cường nhập khẩu từ Mỹ, thời điểm tiến hành.

Nếu Trung Quốc sửa đổi quy định về cho phép các công ty Mỹ tiếp cận thị trường, phía Mỹ muốn đảm bảo rằng Trung Quốc không lạm dụng quyền lực chính phủ về cấp phép, quy định môi trường và các quy định khác để cản trở các công ty Mỹ.

Giới chức Mỹ đã bắt đầu phát đi các thông điệp ép buộc Trung Quốc thực thi cam kết, không để Bắc Kinh hành động nửa vời. Trả lời phỏng vấn Kênh truyền hình CNBC, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nói rằng chiến tranh thương mại của Trump khiến Trung Quốc thiệt hại nhiều hơn Mỹ và đây có thể là lý do buộc Bắc Kinh phải tìm cách đạt thỏa thuận với Mỹ.

Ông Wilbur nhìn nhận có cơ hội tốt để đạt thỏa thuận có giá trị với Trung Quốc, giải quyết cơ bản những vấn đề quan ngại của Mỹ. Nó có thể bao gồm việc Trung Quốc tăng nhập khẩu đậu nành, khí hóa lỏng, chấp thuận "cải cách cơ cấu" sâu rộng hơn về một loạt vấn đề như sở hữu trí tuệ, tiếp cận thị trường.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Ross cũng nhìn nhận ngay cả khi đạt thỏa thuận, việc thực thi sẽ là vấn đề gai góc nhất, nhưng cũng quan trọng nhất. Phía Mỹ từ lâu luôn phàn nàn Trung Quốc không thực thi những lời hứa về cải cách, nổi bật nhất là cam kết mở cửa thị trường với hàng nhập khẩu và đầu tư nước ngoài sau khi gia nhập WTO.

[Tổng thống Mỹ lạc quan về thỏa thuận thương mại với Trung Quốc]

Theo quan điểm của ông Ross, đạt thỏa thuận là tốt, nhưng lịch sử cho thấy Trung Quốc thường chỉ nói mà không làm, vì thế cần phải đề ra cơ chế thực thi, hình phạt nếu không tuân thủ.

Việc chính quyền Trump đặt giám sát thực thi là điểm trung tâm trong bất kỳ thỏa thuận thương mại nào với Trung Quốc cho thấy Washington muốn thay đổi triệt để "thành tích" nghèo nàn của Bắc Kinh trong tuân thủ các cam kết.

Hơn 10 năm qua, Trung Quốc nhiều lần tuyên bố về mở cửa lĩnh vực tài chính, trong đó có cam kết hồi tháng 4/2018 về dỡ bỏ quy định các công ty chứng khoán nước ngoài chỉ được sở hữu tối đa 49% cổ phần sở hữu trong các công ty liên doanh.

Nhưng đến nay mới chỉ duy nhất có tập đoàn UBS của Thụy Sĩ được cấp phép nắm cổ phần chi phối trong liên danh ở đại lục. Đối với ngân hàng, giới chức Trung Quốc còn định ra một rào cản khác khi quy định một doanh nghiệp nước ngoài muốn nắm cổ phần chi phối trong liên doanh phải đảm bảo có tài sản ròng ít nhất 14,6 tỉ USD.

Theo Phó Chủ tịch điều hành Phòng Thương mại Mỹ Myron Brilliant, lối hành xử nặng về hứa hẹn có tính lịch sử này của Trung Quốc khiến chính quyền Trump không sẵn sàng chấp nhận một thỏa thuận trọn gói cuối cùng mà thiếu đi các công cụ giám sát, bảo đảm và thực thi, để chắc chắn rằng Bắc Kinh tuân thủ thỏa thuận.

WSJ bình luận phía Trung Quốc đã có động thái chìa nhành ô liu đối với Washington trước khi đàm phán được nối lại. Bắc Kinh dỡ bỏ thuế trừng phạt đối với mặt hàng ô tô, phụ tùng ô tô nhập khẩu từ Mỹ, nối lại hoạt động mua đậu nành của Mỹ và bắt đầu có sự thay đổi về chính sách công nghiệp vốn bị chính quyền Trump chỉ trích là bảo hộ.

Ngoài ra, Bắc Kinh mới đây cũng công bố dự luật mới về đầu tư nước ngoài, với cam kết tạo sân chơi bình đẳng hơn đối với các công ty nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc.

Nhưng với Mỹ, từng đó là chưa đủ.

Chính quyền Trump đang xem xét các lựa chọn khác nhau, trong đó có việc giữ nguyên mức thuế trừng phạt hiện hành và chỉ dỡ bỏ nếu Bắc Kinh tuân thủ cam kết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục