Mỹ nhấn mạnh mục tiêu "không gia tăng căng thẳng với Trung Quốc"

Theo thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, đến cuối năm 2021, Trung Quốc phải hoàn thành cam kết tăng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa Mỹ, như các loại nông sản và dịch vụ .
Mỹ nhấn mạnh mục tiêu "không gia tăng căng thẳng với Trung Quốc" ảnh 1Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Ngày 4/10, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết Washington sẽ tìm cách đàm phán với Bắc Kinh về các chính sách công nghiệp của Trung Quốc, song nhấn mạnh mục tiêu "không gia tăng căng thẳng thương mại" với nước này.

Bà Katherine Tai đưa ra phát biểu tại một sự kiện do Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế tổ chức ở Washington.

Đại diện Thương mại Mỹ cũng nêu rõ chính quyền Tổng thống Joe Biden "sẵn sàng triển khai tất cả các công cụ sẵn có và tìm hiểu khả năng phát triển những công cụ mới để tự bảo vệ trước những thiệt hại mà tình trạng cạnh tranh không lành mạnh gây ra trong những năm qua."

Sau nhiều tháng đánh giá về chính sách thương mại với Trung Quốc, Đại diện Thương mại Mỹ cho rằng thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 mà hai bên ký kết chưa giải quyết triệt để những lo ngại về các hành vi thương mại bất bình đẳng của Trung Quốc, đồng thời đánh giá Bắc Kinh chưa thực hiện một số cam kết trong thỏa thuận.

Bà Tai cho biết bà dự định tiến hành các cuộc trao đổi "thẳng thắn" với người đồng cấp Trung Quốc trong những ngày tới, trong đó có nội dung thảo luận về việc Trung Quốc thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.

[Mỹ-Trung thực hiện cuộc điện đàm kinh tế lần thứ ba chỉ trong hai tuần]

Theo thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, Trung Quốc chỉ còn thời hạn từ nay đến cuối năm 2021 để hoàn thành cam kết tăng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa Mỹ, như các loại nông sản, và dịch vụ thêm 200 tỷ USD so với mức năm 2017.

Trung Quốc cũng đã nhất trí tăng cường các biện pháp bảo vệ tài sản trí tuệ và theo đuổi tự do hóa lĩnh vực dịch vụ tài chính.

Bà Tai đánh giá thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 đã giúp bình ổn thị trường, đặc biệt là với xuất khẩu nông sản của Mỹ, tuy nhiên, trên thực tế thỏa thuận này không giúp xua tan hoàn toàn những lo ngại của Mỹ đối với các hoạt động thương mại của Trung Quốc và những tác động đối với nền kinh tế Mỹ.

Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 được ký vào tháng 1/2020 giữa Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Hai bên thực thi thỏa thuận từ tháng 2/2020. Thỏa thuận này giúp xoa dịu cuộc chiến thương mại kéo dài gần 18 tháng giữa hai nước ảnh hưởng tới hoạt động trao đổi hàng hóa song phương trị giá hàng trăm tỷ USD do các biện pháp thuế quan trả đũa lẫn nhau.

Dù sau khi ký kết thỏa thuận Mỹ đã dỡ bỏ một số biện pháp thuế trừng phạt, nhưng vẫn duy trì một số mức thuế, tối đa lên tới 25%, đối với hàng trăm tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Theo giới truyền thông Mỹ, trong khi tiếp tục triển khai thỏa thuận giai đoạn 1, chính quyền Tổng thống Biden cũng khởi động một "quy trình áp dụng ngoại lệ về thuế," theo đó có thể miễn thuế đối với một số mặt hàng nhập khẩu cụ thể.

Giới chức Mỹ cho biết chính quyền Tổng thống Biden không tìm cách đàm phán thỏa thuận thương mại giai đoạn 2 với Trung Quốc.

Theo Đại diện Thương mại Katherine Tai, bà không kỳ vọng Trung Quốc thực hiện "những cải cách đáng kể", nhưng nhấn mạnh bà "đặc biệt quan ngại" những vấn đề chưa được giải quyết trong thỏa thuận giai đoạn 1./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục